Thứ Năm, Tháng Tư 18
Shadow

Bloomberg: Ở Việt Nam, học vấn càng cao càng dễ thất nghiệp

bloomberg, học vấn, thất nghiệp, sinh viên, đại học, lao động việt nam

Các sinh viên đại học tại Việt Nam thường không được đào tào những kĩ năng mà nhà tuyển dụng mong đợi. Nguồn ảnh: Vietnam Man Power

Nguyễn Văn Đức tốt nghiệp hai năm trước với tấm bằng cử nhân kinh tế từ một trong những trường đại học tốt nhất của Việt Nam. Hiện tại, anh đang hành nghề lái xe ôm ở Hà Nội với thu nhập khoảng 250 USD/tháng.

Đức là một trong số hàng ngàn cử nhân đại học của Việt Nam không có việc làm trong lĩnh vực chuyên môn mà họ theo đuổi, mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chỉ là 2,3%. Chàng trai 25 tuổi này cho biết: “Ở trường đại học, chúng tôi chỉ được đào tạo nặng về lý thuyết”.

Trong gia đình 3 người con, Đức là người duy nhất được đi học đại học. Để có tiền cho Đức đi học, bố mẹ anh đã phải kiếm việc làm thêm ngoài giờ.

Mặc dù các trường học phổ thông của Việt Nam có thể trang bị cho học sinh đủ các kỹ năng cơ bản để làm công việc lắp ráp với mức lương thấp, nhưng các trường đại học và cao đẳng lại không giúp các sinh viên chuẩn bị được những kĩ năng cần thiết cho các công việc phức tạp hơn. Trong tình hình mức lương trung bình đang tăng lên và các doanh nghiệp sản xuất chuyển sang các quốc gia khác có chi phí rẻ hơn, sự yếu kém về giáo dục có thể đe doạ mục tiêu của Việt Nam là nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên hơn 4.000 USD.

bloomberg, học vấn, thất nghiệp, sinh viên, đại học, lao động việt nam

Tỷ lệ thất nghiệp theo trình độ học vấn của Việt Nam: cột 1 là đào tạo ngắn hạn, cột 2 là đào tạo trung hạn, cột 3 là cao đẳng, cột 4 là đại học. Như vậy, trình độ học vấn càng cao thì xác suất thất nghiệp càng lớn. Ảnh: Bloomberg

Ông Scott Rozelle, một nhà kinh tế học về phát triển tại trường Đại học Stanford, cho biết: “Nhiều quốc gia từng thành công trong việc chuyển lên giai đoạn phát triển kinh tế tiếp theo đã xây dựng được nền giáo dục có trình độ ngang các nước phát triển trong khi mới là nền kinh tế có thu nhập trung bình. Những quốc gia nào không phát triển sớm giáo dục thì sẽ sụp đổ hoặc bị mắc kẹt trong cái bẫy thu nhập trung bình”.

Xem thêm  Chân dung người vợ mà đại gia Minh Nhựa vừa đưa đơn ly hôn

Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan đã phát triển các trường cao đẳng và đại học chất lượng cao trước khi nền kinh tế của họ cần một lực lượng lao động có trình độ học vấn cao hơn. Ngược lại, các nền kinh tế như Argentina, Brazil và Mexico đã bị tụt lại sau khi đạt đến mức thu nhập trung bình, một phần bởi vì họ đã không đầu tư đúng mức cho giáo dục, Rozelle cho biết.

Tại Việt Nam, các sinh viên đại học thường không được đào tào những kĩ năng mà nhà tuyển dụng mong đợi. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết các doanh nghiệp không muốn trả nhiều tiền cho người lao động có bằng cấp nhưng thiếu kỹ năng tương xứng. Tỷ lệ thất nghiệp trong số những người trẻ tuổi có trình độ đại học là 17%.

Áp lực lên giới trẻ

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, giảng viên chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam (FUV), cho biết: “Các công ty tư nhân và nước ngoài tại Việt Nam muốn tuyển những công nhân lành nghề, các nhà quản lý chất lượng và kỹ sư tốt hơn. Tầng lớp trung lưu đang mở rộng. Các gia đình Việt Nam muốn có chất lượng giáo dục tốt hơn. Vì vậy, điều này tạo áp lực nâng cấp hệ thống giáo dục và đào tạo nghề”.

Nhiều bậc cha mẹ Việt đã cho con cái của mình đi du học ở nước ngoài để cải thiện triển vọng nghề nghệp. Theo số liệu của Tổ chức Dịch vụ Sinh viên Nhật Bản (JASSO), số người Việt Nam học tập tại Nhật Bản (tính cả các trường ngoại ngữ) đã tăng hơn 12 lần trong giai đoạn 6 năm từ 2010 đến 2016, lên đến khoảng 54.000 người.

Các nhà chức trách Việt Nam cũng đã thừa nhận những thách thức này. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, người đang giám sát chiến lược chương trình giảng dạy mới của Bộ Giáo dục & Đào tạo, cho biết: “Chính phủ đang cố gắng để nâng cao chất lượng đào tạo trong các trường cao đẳng và đại học. Chúng ta cần phải cải tổ lại chương trình giảng dạy để giảm việc đào tạo các chủ đề không thực tế. Nhưng tiến độ đổi mới vẫn còn rất chậm chạp”.

Xem thêm  Toàn bộ học sinh, sinh viên Sài Gòn nghỉ học để tránh bão Tembin

Biết chữ chưa phải là đủ

Trong một thập kỷ qua, số lượng các trường cao đẳng và đại học tại Việt Nam đã lên tới khoảng 450. Theo kế hoạch của Chính phủ, khoảng 560.000 tân sinh viên sẽ nhập học đại học và cao đẳng vào năm 2020, tăng khoảng 8% trong 10 năm.

Theo Viện Khoa học Lao động và Xã hội, mặc dù tỷ lệ người Việt biết chữ đạt mức 97%, chỉ 1/3 lực lượng lao động của Việt Nam có bằng tốt nghiệp THPT vào năm ngoái.

Trong giai đoạn phát triển này, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh ngay cả khi có năng suất thấp – Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ giữ ở mức trên 6% cho đến năm 2019.

Tuy nhiên, Việt Nam là một trong những nước có năng suất công nghiệp thấp nhất trong ASEAN. Singapore có năng suất cao gấp 26 lần Việt Nam; Malaysia gấp 6,5 lần, còn Thái Lan và Philippines gấp khoảng 1,5 lần.

Các chương trình mới

Vẫn có những lý do để lạc quan hơn về tương lai. Bà Đàm Bích Thủy, chủ tịch của FUV, cho biết trường đại học mới này sẽ bắt đầu hoạt động vào mùa thu năm nay.

Các doanh nghiệp cũng đang chủ động xây dựng các chương trình giáo dục để tăng cường kĩ năng cho người lao động. Tập đoàn FPT đã mở nhiều trung tâm đào tạo trên khắp đất nước với khoảng 20.000 học sinh – sinh viên theo học các chương trình trung học phổ thông, đại học và cao đẳng. Tập đoàn Intel đã cam kết chi 22 triệu USD cho một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, cảnh báo: “Vẫn còn nhiều cử nhân thiếu các kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm và khả năng tổ chức để làm việc trong doanh nghiệp. Điều này đang kìm chân cả nền kinh tế”.

Theo Nhipcaudautu