Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Thảm họa khủng khiếp Triều Tiên có thể phải hứng chịu do thử bom nhiệt hạch

Nếu ngọn núi Punggye-ri, nơi Triều Tiên chọn làm địa điểm thử nghiệm vũ khí hạt nhân bị sụp đổ, bức xạ sẽ rò rỉ ra khắp khu vực kéo theo những hậu quả khôn lường.

Tuyên bố trên được các nhà khoa học tới từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc tại Hợp Phì, An Huy đưa ra sau khi phân tích khả năng ngọn núi trải qua 5 vụ thử nghiệm hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên có nguy cơ sụp đổ dựa trên dữ liệu được thu thập từ hơn 100 trung tâm giám sát động đất ở Trung Quốc.

Ông Wang Naiyan, cựu Chủ tịch của Hiệp hội Hạt nhân Trung Quốc, cũng là nhà nghiên cứu cấp cao về chương trình vũ khí hạt nhân của nước này khẳng định, nếu nhận định trên đáng tin cậy, nguy cơ về một thảm họa môi trường khủng khiếp mà Triều Tiên và thậm chí cả Trung Quốc phải hứng chịu là không thể bỏ qua.

Thảm họa, triều tiên, vũ khí hạt nhân, bom nhiệt hạch

Ảnh vệ tinh bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên.

“Một cuộc thử nghiệm khác có thể khiến ngọn núi sụp đổ, để lại một lỗ hổng mà từ đó các chất phóng xạ có thể thoát ra ngoài và phát tán ra các khu vực xung quanh bao gồm cả Trung Quốc”, chuyên gia này nhận định.

Theo ông Wang, không phải ngọn núi nào cũng thích hợp để thử hạt nhân. Về mặt lý thuyết, ngọn núi phù hợp phải đáp ứng các yêu cầu như đỉnh cao, nhưng không quá dốc. Dù vậy, do diện tích hạn chế và thường xuyên phải giấu các vụ thử nghiệm, Triều Tiên không có quá nhiều lựa chọn.

Xem thêm  Những khoảnh khắc bình dị ở Triều Tiên được khắc hoạ sinh động qua ống kính của nhiếp ảnh gia nước ngoài

Chuyên gia tới từ Trung Quốc cho rằng Punggye-ri, ngọn núi nằm ở tỉnh Bắc Hamgyong có thể trụ vững được thêm bao lâu nữa hoàn toàn phụ thuộc vào vị trí mà Triều Tiên chọn đặt quả bom thử nghiệm.

“Nếu quả bom được đặt ở đáy các đường hầm đứng, thiệt hại từ các vụ nổ sẽ ít hơn. Tuy nhiên, những kiểu hầm dạng này thường rất khó xây dựng với chi phí cao.

Cùng với đó, việc lắp đặt cáp và các cảm biển thu thập dữ liệu từ vụ nổ cũng sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, mọi thứ sẽ đơn giản hơn rất nhiều với đường hầm nằm ngang. Nhưng đổi lại nguy cơ phần chóp núi bị thổi tung sẽ tăng lên rất nhiều”, ông Wang phân tích.

Video: Giây phút phát thanh viên thông báo Triều Tiên thử thành công bom nhiệt hạch

Mặc dù vậy, ông này cũng đề cập tới khả năng các tính toán của các nhà khoa học tới từ Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc có thể không hoàn toàn chính xác.

“Các đợt sóng địa chấn thường truyền qua nhiều loại đá khác nhau. Vì vậy, nếu dùng các phân tích dựa trên sóng xung kích mà vụ nổ gây ra có thể không hoàn toàn chính xác”.

Đây không phải là lần đầu tiên các nhà khoa học lo ngại những hậu quả có thể xảy đến sau các thử nghiệm hạt nhân của Bình Nhưỡng

Xem thêm  Vợ Chủ tịch Kim Jong Un - đệ nhất phu nhân của Triều Tiên xinh đẹp và bí ẩn thế nào?

Nhiều chuyên gia địa chất cũng từng lo ngại về kịch bản núi lửa Paekdu sát biên giới Trung Quốc phun trào sau các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Nếu xảy ra, đó có thể sẽ là một vụ phun trào cực lớn, đe dọa sinh mạng hàng chục nghìn người Trung Quốc và Triều Tiên.

Một vụ phun trào lớn từng xảy ra ở núi lửa này vào năm 946 được đánh giá là một trong những vụ phun trào lớn nhất lịch sử, làm xuất hiện lòng chảo đường kính 5 km trên đỉnh núi.

Hiện có khoảng 1,6 triệu người sống trong phạm vi 100 km quanh ngọn núi lửa chỉ cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 116 km.

Theo VTC