Thứ Ba, Tháng Tư 16
Shadow

10 câu kém hiệu quả nhất bố mẹ thường nói với con, đổi cách nói khác tác dụng sẽ khác hẳn

Nhiều phụ huynh thường cảm thấy lực bất tòng tâm vì rõ ràng nhắc nhở nhiều lần mà con vẫn coi nó như gió thoảng bên tai. Điều này khiến chúng ta mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần.

Xem thêm  'Ngả mũ' trước cách người Nhật dạy con trung thực

Thực ra trong cuộc sống thường ngày, chúng ta thường vô tình lặp lại những lời nhắc nhở, dạy bảo với con cái. Những câu này ban đầu có thể có chút tác dụng nhưng cuối cùng bạn nói việc của bạn, con làm việc của con.

Những câu nói nào bố mẹ thường hay nói nhất nhưng lại không hề có chút tác dụng nào? Chúng ta thử đổi cách nói xem hiệu quả có khác hay không?

1. Chưa làm xong bài tập mà còn dám chơi sao?

Việc đầu tiên các ông bố, bà mẹ muốn con hoàn thành sau khi đi học về có lẽ chính là “làm bài tập”. 

Vì vậy, nếu thấy con không những đủng đỉnh làm bài tập, mà còn sờ cái nọ, nghịch cái kia, phân tâm làm các việc khác; hoặc thậm chí chưa làm xong bài tập đã bắt đầu chơi điện tử, chắc hẳn chúng ta sẽ nổi cơn thịnh nộ nhưng câu nhắc nhở “Chưa làm xong bài tập mà còn dám chơi sao?”, trẻ nghe mãi cũng trở nên trơ rồi.

Chi bằng bạn thử đổi cách nói khác xem: “Chúng ta cùng xem còn bài tập nào chưa hoàn thành không nhé.” Câu nói này ép trẻ bắt buộc phải tạm gác việc chơi lại, cùng bạn xem lại những bài tập chưa làm xong.

2. Sao con làm bài kiểm tra kém thế?

Khi thấy con mang bài kiểm tra về xin chữ ký phụ huynh nhưng điểm không được tốt, rất nhiều ông bố, bà mẹ thường nói câu này theo thói quen nhưng nó chỉ ép trẻ giải thích những câu vô ích như: “Bài kiểm tra lần này khó lắm ạ.”, “Các bạn của con đều bị điểm kém”…

Bạn thử trực tiếp đi vào trọng điểm xem sao: “Con đã hiểu hết những chỗ sai trong bài thi chưa?” Có thể như thế sẽ thiết thực hơn nhiều.

3. Mau tập trung đọc sách đi!

Trẻ không chú tâm mà chỉ nhắc nhở con tập trung một chút thì có tác dụng gì không? Thực ra kết quả đa phần là không hiệu quả chút nào.

Thế nên chi bằng chúng ta đổi cách khích lệ con, đọc xong sách sẽ dẫn con đến chỗ cháu muốn tới hay ăn món mình thích. Dùng cách này sẽ hữu ích hơn việc bạn nhắc nhở bé liên tục cả trăm lần.

4. Nhớ mặc áo khoác nhé!

Trời trở lạnh nhưng con lại không chịu mặc áo khác. Dù bố mẹ đã nhắc nhở hết lần này đến lần khác nhưng có thể cháu còn cố tình quên.

Các ông bố, bà mẹ hay lo lắng thử đổi cách nói khác xem: “Con không mặc áo khoác à? Vậy con phải mặc thêm một chiếc áo nữa thôi.”

5. Đừng ăn đồ ăn vặt mãi thế!

Cách nói kiến nghị: “Hôm nay con chỉ có thể ăn những thứ này.”

Trong nhà rõ ràng bày đồ ăn vặt nhưng lại muốn con đừng ăn chúng liên tục, điều này thực sự quá mâu thuẫn. Muốn những đứa trẻ không biết tự kìm chế phải học được giới hạn, chúng ta có thể dùng cách, hôm nay cho ăn thật đã, chỗ còn thừa sẽ bị cất đi. Quy định rõ ràng như thế sẽ hiệu quả hơn việc liên tục nhắc nhở rất nhiều.

6. Mau đi ngủ đi.

Trẻ không chịu ngủ rất có thể là chưa buồn ngủ hoặc còn ham chơi nhưng vì sức khỏe của con, bố mẹ cần phải đưa ra quy định về giờ giấc nghỉ ngơi.

Khi bé không đi ngủ, chúng ta hãy đứng lên tắt đèn trước hoặc có thể dùng cách bảo cháu không đi ngủ sẽ phải làm việc gì đó chứ không được tiếp tục chơi để dẹp bỏ ngay ý nghĩ không muốn đi ngủ của con.

7. Không được nói tục!

Trẻ nhỏ đang ở tuổi tò mò và thích bắt chước. Hành vi nói tục có thể là để gây sự chú ý của bạn hoặc chỉ là cháu cảm thấy thú vị. Lúc này chúng ta quy định con không được nói sẽ chỉ khiến chúng cố ý thách thức uy quyền. 

Chi bằng hãy đổi sang cách giải thích cho con hiểu để bé dần dần sửa thói quen xấu.

8. Đừng nghịch điện thoại mãi thế!

Bản thân bố mẹ cứ ôm điện thoại mãi mà yêu cầu con đừng nghịch điện thoại nữa sẽ không hợp lý chút nào. Vậy nên trước tiên bạn bắt buộc phải bỏ điện thoại xuống rồi giới hạn thời gian với con để cháu có thể chuẩn bị sẵn tâm lý.

Chẳng hạn: “10 phút nữa, con phải đưa điện thoại cho bố/mẹ giữ.”

 

9. Đừng cãi nhau nữa!

Trẻ nhỏ chơi cùng nhau khó tránh khỏi lúc cãi cọ. Thế nên khi thấy con tranh cãi không ngừng, chi bằng chúng ta nhân cơ hội giúp chúng học được cách hiểu nhau. 

Hãy đề nghị 2 bên cùng bình tĩnh rồi tiếp tục nói lên cảm nhận của mình, đồng thời cũng cần nghe ý kiến của bên kia. Bởi lẽ học cách bày tỏ và lắng nghe là một vòng tuần hoàn vô cùng quan trọng trong giao tiếp của con người.

10. Đừng vứt đồ lung tung!

Kiến nghị đổi cách nói: “Đợi con dọn dẹp đồ xong thì có thể chơi.”

Sách vở, hộp bút, bài kiểm tra của trẻ thường vứt mỗi thứ một nơi. Chúng ta dọn dẹp giúp con sao? Không nên. Lúc này bạn hãy kiên quyết bắt bé sắp xếp xong cặp sách mới được phép chơi.

Ngọc Ánh – Trí thức trẻ

Link