Thứ Sáu, Tháng Ba 29
Shadow

5 bài học dạy con giá trị đến muôn đời của Gia Cát Lượng

Những bài học mà Gia Cát Lượng gửi gắm cho con cháu thông qua 2 bức thư ngắn của mình đã trở thành tiền đề cho phương pháp dạy con của các bậc phụ huynh thời nay.

Xem thêm  Người Do Thái được xem là dân tộc thông minh nhất thế giới. Bí quyết chính ở phương pháp dạy con

Gia Cát Lượng

Gia Cát Lượng tên tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam Quốc. Ông là một nhà ngoại giao cự phách và cũng là một nhà phát minh tài năng.

Ông đã sáng tạo ra Bát trận đồ (Hình vẽ tám trận), Nỏ Gia Cát (Nỏ Liên Châu, một lúc bắn nhiều mũi tên), Mộc lưu ngưu mã (trâu gỗ ngựa máy, thiết bị giao thông), đèn lồng Khổng Minh (khinh khí cầu phát tín hiệu quân sự) và món màn thầu nổi tiếng.

Gia Cát Lượng không chỉ được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất thời đại ấy, ông còn nổi tiếng là người đàn ông chung thủy, yêu vợ thương con.

Những bài học mà ông gửi gắm cho con cháu thông qua 2 bức thư ngắn của mình đã trở thành tiền đề cho phương pháp dạy con của các bậc phụ huynh thời nay.

1. Bài học về chữ “tĩnh”

“Phẩm hạnh của người đức tài toàn vẹn, là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm; là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng phẩm đức.

Không xem nhẹ danh lợi thế tục thì không thể xác định được chí hướng của bản thân; thân tâm không tĩnh lặng thì không thể có lý tưởng cao xa”.

Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng để lại cho con cháu 2 bức thư, mỗi bức chưa quá 90 chữ nhưng lại bao hàm những lời răn dạy sâu sắc.

Con người trong cuộc sống vội vã hiện nay thật khó để tìm được chữ “tĩnh” cho mình.

Nội tâm phải tĩnh thì mới có thể tu dưỡng tâm và thân, tinh thần lúc nào cũng phải tập trung thì mới có thể tìm được phương hướng đúng đắn cho bản thân mình.

Nếu như không tĩnh, con người ta dễ bị đánh bại bởi lời gièm pha, tác động của bên ngoài, dễ bị mua chuộc bởi những cái lợi trước mắt, dễ để vuột mất lý tưởng và thành công.

Vì vậy, ngay từ nhỏ, trẻ em nên được rèn luyện khả năng tập trung, nên học chữ “tĩnh” trước khi bắt đầu học những tri thức khác.

“Tĩnh” cũng bao gồm cả khả năng kiểm soát bản thân và tiết chế cảm xúc. Gia Cát Lượng viết: “Nói năng tùy tiện và nóng nảy cáu gắt thì không thể bồi dưỡng tính tình”.

Tác phong, lời nói là những căn cứ để đánh giá phẩm chất một con người. Một nhà tâm lý học nói rằng: thói quen quyết định tính cách, tính cách quyết định vận mệnh của con người.

Vì vậy, các bậc phụ huynh không nên để trẻ có thói quen cáu gắt, phản ứng thái quá và đặc biệt coi trọng việc giáo dục lễ độ trong cư xử.

2. Học tập không ngừng để hoàn thiện bản thân

Gia Cát Lượng cho rằng: “Học tập cần phải chuyên tâm ý chí, để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ.

Không nỗ lực học tập, thì không thể phát triển tài trí; không xác định rõ chí hướng thì không thể thành công trong học tập”.

Học tập không ngừng là cách cơ bản nhất để hoàn thiện bản thân. Nhưng học chỉ ở trường là không đủ mà chúng ta cần học trong đời sống, học từ người khác…

Trong quá trình học tập, ý chí quyết tâm, sự kiên trì, nỗ lực là những yếu tố rất quan trọng để chúng ta đạt được mục đích cuối cùng của sự học.

Các bậc phụ huynh cần tạo cho trẻ em sự hứng thú với học tập, tìm tòi và rèn luyện tính kiên trì ngay từ những ngày đầu tới trường.

Kiên trì chưa chắc đã thành công nhưng người không kiên trì thì chắc chắn không bao giờ đi được đến thành công.

3. Tận dụng thời gian

Thời gian là thứ tài sản vô giá mà khi mất đi rồi sẽ chẳng lấy lại được.

Vậy nên, Gia Cát lượng mới căn dặn con mình: “Tuổi tác trôi qua, ý chí hao mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở có ích gì đâu?”.

Thời thanh xuân quý giá nhưng sẽ trôi đi rất nhanh, sức lực và tinh thần của con người cũng suy yếu dần theo tuổi tác.

Đó là quy luật của tự nhiên nên chẳng ai có thể chối bỏ hay kháng cự, điều duy nhất chúng ta có thể làm là nắm bắt và tận dụng thời gian.

Nhân lúc còn trẻ hãy tự mình theo đuổi thành công, hãy nắm bắt những cơ hội phát triển để khi về già không phải hối tiếc sao “tuổi xuân chẳng 2 lần thắm lại”.

Dạy con cũng vậy, nên tận dụng thời gian. Nếu chúng ta uốn nắn, dạy dỗ con kỹ lưỡng ngay từ khi còn nhỏ thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn.

Ai chẳng muốn con mình trưởng thành theo cách thuận lợi nhất, có phẩm chất và giáo dục tốt. Vậy thì đừng đợi đến lúc con biết rồi mới dạy.

4. Thành thật trong tâm hồn

“Nếu một người không mạnh mẽ và kiên định, tâm hồn không thành thật khảng khái thì anh ta sẽ không thành công, bị cuốn theo thói tục, trở nên tầm thường và bị ràng buộc bởi dục vọng” là những gì mà Gia Cát Lượng khuyên dạy về tính trung thực trong bức thư gửi cháu mình.

Người trung thực là người có tâm hồn đủ khảng khái để tránh xa mọi cám dỗ, dục vọng của cuộc đời, kẻ không kiên định, thẳng thắn ngay với chính bản thân mình thì sẽ khó được người khác tôn trọng.

Một đứa trẻ nhất định phải được giáo dục nghiêm khắc về tính trung thực, thành thật thì mới có thể nên người.

Gia Cát Lượng
“Một người phải có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, lắng nghe người khác, từ bỏ tính ngờ vực và hẹp hòi. Khi ấy, người đó chẳng phải lo rằng mục đích không đạt được”.

5. Thích nghi với mọi hoàn cảnh

Đây là khả năng được hình thành qua thời gian dài rèn luyện. Gia Cát Lượng dặn dò con cháu: “Một người phải có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, lắng nghe người khác, từ bỏ tính ngờ vực và hẹp hòi.

Khi ấy, người đó chẳng phải lo rằng mục đích không đạt được”.

Rất nhiều bậc phụ huynh hiện nay đã hiểu được điều này, họ luôn tìm mọi cơ hội để con mình được tiếp xúc và làm quen với nhiều người, nhiều môi trường sinh hoạt khác nhau.

Những đứa trẻ được rèn luyện như vậy sẽ có khả năng giao tiếp và thích nghi rất tốt, rất có ích cho cuộc sống học tập và làm việc sau này.

Gia Cát Lượng để lại cho con cháu 2 bức thư, mỗi bức chưa quá 90 chữ nhưng lại bao hàm những lời răn dạy sâu sắc.

Qua cách trình bày súc tích ấy, ông tiếp tục để lại cho thế hệ đời sau bài học về sức mạnh của việc sử dụng ngôn ngữ hợp lý.

Câu cú càng đơn giản càng mang nhiều nội hàm, thể hiện kiến thức, kinh nghiệm uyên thâm của người nói, người viết.

Từ xưa đến nay, người cha luôn là chỗ dựa vững chắc cho những đứa trẻ trong gia đình.

Cách những người đàn ông dạy con thoạt nhìn thì thật cứng nhắc, khô khan nhưng nếu tìm hiểu sẽ thấm được tấm lòng cao cả và tình yêu thương con sâu sắc mà họ gửi gắm qua từng câu chữ, hành động.

Nguồn: Sohu

Xem thêm  Cổ nhân truyền rằng: Dạy con cần quan trọng 3 việc này thì mới mong chúng nên ngườ

Theo Trần Quỳnh, Theo Trí Thức Trẻ, cafebiz

Link