Thứ sáu, Tháng mười một 15
Shadow

6 câu chuyện ngắn của Đạo gia và chìa khóa nhân sinh giúp bố mẹ nuôi dạy con cái thành tài

cuộc đời

Những bài học thông qua 6 câu chuyện nhân sinh siêu ngắn của Đạo gia dưới đây sẽ trở thành hành trang quý giá cho các bậc cha mẹ trong quá trình giáo dục con trẻ.

Xem thêm  "Nhiều gia đình xây dựng cho con mình một cuộc sống "hoàng cung" khi bố mẹ vẫn chỉ như "nô lệ"" - cách dạy con gây bão MXH của mẹ đơn thân gửi tới các bậc phụ huynh

Trong tiếng Hán, chữ “đạo” ban đầu được dùng để chỉ con đường, sau đó dần gắn liền với nhiều nghĩa mở rộng như phương hướng, quy luật, chân lý, nguyên tắc… Chữ này còn gắn liền với tên gọi của một nhánh của triết học và tôn giáo Trung Hoa, đó chính là “Đạo giáo”.

Chung quy đối với những người bình thường mà nói, “đạo” chính là lối sống và thái độ làm người của chúng ta. Vì vậy, một người có thể trở thành nhân tài được hay không đa phần sẽ phụ thuộc vào quá trình hình thành nhân cách của họ.

Đó cũng chính là lý do vì sao các bậc phụ huynh luôn coi trọng việc giảng dạy cho con cái mình những điều được xem là phải đạo, hợp lễ nghĩa.

Bàn về các đạo lý đáng để suy ngẫm trong cuộc đời, những bài học nhân sinh dựa trên nền tảng của các câu chuyện về Đạo gia dưới đây sẽ trở thành tư liệu hữu ích cho các bậc làm cha, làm mẹ trong quá trình nuôi dạy con cái.

Câu chuyện thứ nhất: Chồi non

“Tấm gương sáng, bụi bặm chẳng làm dơ được. Tinh thần trong, lòng hàm muốn chẳng dính vô được”. – Lão Tử – (Tranh: Nguồn Internet).

Đạo trưởng chỉ vào một nhánh chồi non, hỏi đệ tử:

“Con có thể bẻ gãy chồi non này được hay không?”

Đệ tử gật đầu chắc chắn:

“Đương nhiên có thể ạ!”

Đạo trưởng hỏi tiếp:

“Con có thể chặt được cả cây có chồi non này hay không?”

Đệ tử vẫn khẳng định:

“Dĩ nhiên có thể ạ! Con chỉ cần lấy rìu chặt nó đi là được rồi”

Đạo trưởng lại hỏi:

“Vậy con có thể bỏ đi hơi thở mùa xuân do chồi non này mang tới hay không?”

Đệ tử suy nghĩ tới lui, cuối cùng chỉ đành lắc đầu.

Bài học rút ra: Nếu tâm tưởng của bạn luôn là một khu vườn mùa xuân ngập hoa lá và tiếng chim, không ai có thể bóp nát những mộng tưởng và chồi non hy vọng thuộc về trái tim bạn.

Chỉ cần lòng bạn luôn có sự hiện diện của vui vẻ và lạc quan, hết thảy mọi sóng gió của cuộc sống ngoài kia cũng không thể khiến bạn gục ngã.

Câu chuyện thứ hai: Bầu trời và chiếc lá

Đạo trưởng hỏi đồ đệ:

“Bầu trời kia có lớn hay không?”

Đệ tử đáp:

“Dạ lớn ạ!”

Đạo trưởng lại hỏi tiếp:

“Lá cây kia có lớn hay không?”

Đệ tử trả lời:

“Lá cây thì nhỏ ạ!”

Đạo trưởng nói:

“Vậy bầu trời kia có thể che đi mắt nhìn của một người hay không?”

Đệ tử lắc đầu:

“Không thể”.

Đạo trưởng:

“Vậy lá cây kia có thể che đi mắt nhìn của một người hay không?”

Đệ tử gật đầu:

“Lá cây thì có thể”.

Bài học rút ra: Có nhiều khi, thứ ngăn trở tầm mắt và khiến ta lạc lối thường chính là những “lá cây” nhỏ bé trong cuộc sống. Tương tự như vậy, chỉ một tiểu tiết hay vướng mắc nhỏ đôi khi sẽ khiến cuộc đời của chúng ta trở nên lận đận.

Vì thế phàm là làm bất cứ một việc nào cũng nên chú ý cẩn thận tới từng chi tiết để không phải trả giá cho những sai lầm vốn tưởng là rất nhỏ.

Câu chuyện thứ ba: Cái gì quý nhất?

“Biết đủ là đủ, tức là đủ. Biết nhàn là nhàn tức là nhàn”. – Lão Tử – (Tranh: Nguồn Internet).

Rất lâu trước kia, đạo trưởng từng hỏi người đệ tử nhỏ tuổi của mình một câu:

“Thứ gì trên thế gian này là trân quý nhất?”

Đệ tử khi ấy ngây thơ trả lời:

“Là thứ đã mất đi và thứ không có được”.

Rất lâu sau này, đạo trưởng lại hỏi lại câu hỏi năm nào:

“Thứ gì trên thế gian này là trân quý nhất”.

Người đệ tử năm xưa giờ đây đã trưởng thành, trầm ngâm đáp lại một câu:

“Thứ trân quý nhất trên thế gian không gì bằng thứ ta đang có”.

Bài học rút ra: Không ít người trong số chúng ta thường mất cả đời để theo đuổi những thứ cao xa ngoài kia được mà quên mất việc trân trọng những điều bình dị đang hiện hữu quanh mình.

Chỉ đến khi biết trân trọng những thứ mình đang có, chúng ta mới không phải thở dài tiếc nuối mỗi khi nhớ về quá khứ.

Câu chuyện thứ tư: Nhãn quang của thiên hạ

Từng có một thư sinh thỉnh giáo đạo trưởng:

“Sự phụ, có người nói ta là nhân tài, có người lại mắng ta là kẻ ngu ngốc, người cảm thấy ta là người ra sao?”

Vị đạo sĩ liền hỏi lại:

“Vậy cậu tự nhận thấy cậu là người thế nào?”

Thấy thư sinh vẻ mặt mơ hồ không hiểu, đạo trưởng giải thích:

“Ví như một cân gạo, đem đặt trong mắt người đầu bếp thì sẽ nhìn thành mấy bát cơm, đem đặt trong mắt người làm bánh thì sẽ nhìn thành bánh nướng, đem đặt trong mặt người buôn rượu thì sẽ nhìn thành mấy vò rượu.

Thế nhưng chung quy gạo vẫn là gạo. Cũng giống như vậy, cậu luôn là cậu, việc trở thành nhân tài hay kẻ ngốc tùy thuộc vào việc cậu quyết định đối xử với bản thân mình ra sao”.

Thư sinh nghe tới đây liền giác ngộ, trở về nhà chuyên tâm đọc sách, nhiều năm sau được khắc tên lên bảng vàng.

Bài học rút ra: Cách người khác đánh giá ta ra sao không quan trọng bằng việc ta đối xử với bản thân mình thế nào. Bởi thái độ của ta với chính mình mới là thứ quyết định sự thành bại trong cuộc đời.

Câu chuyện thứ năm: Bí kíp của vui vẻ

“Nếu một người có thể nhận ra mình không thiếu thứ gì, cả thiên hạ đã thuộc về người đó”. – Lão Tử – (Tranh minh họa: Nguồn Internet).

Có một thiếu niên tìm tới đạo trưởng, hỏi một câu hỏi:

“Phải làm thế nào mới có thể khiến mình vui và mà cũng đem tới cho người khác sự vui vẻ?”

Đạo trưởng cười đáp:

“Có bốn loại cảnh giới, phải xem con có thể lĩnh ngộ và làm theo cảnh giới nào trong số đó.

Thứ nhất, muốn biến mình trở thành người khác, đó gọi là “vô ngã”.

Thứ hai, muốn biến người khác trở thành mình, đó gọi là “từ bi”.

Thứ ba, muốn biến người khác trở thành một người khác nữa, đó gọi là “trí khôn”.

Thứ tư, muốn để mình được làm chính mình, đó gọi là “tự nhiên”.

Bài học rút ra: Hết thảy mọi khổ đau và vui vẻ trong cuộc đời đều do lựa chọn của chúng ta mà ra.

Câu chuyện thứ sáu: Đời có thực sự là bể khổ?

Đạo trưởng từng có một đệ tử rất hay than vãn. Một ngày kia, người đem chút muối bỏ vào cốc nước cho đệ tử này uống.

Vừa uống xong cốc nước này, đệ tử cau mày than thở:

“Nước mặn quá đi mất”.

Đạo trưởng lại đem nhiều muối đổ vào một hồ nước rồi cho đệ tử uống nước trong hồ. Lần này, đệ tử vừa uống vừa thích chí cười nói:

“Nước này mới ngon ngọt làm sao”.

Bài học rút ra: Mọi đau khổ trong cuộc sống cũng giống như những hạt muối kia, là thứ gia vị mà ai cũng được thêm vào cuộc đời.

Nếu trái tim của bạn chỉ nhỏ bé như một cốc nước, chỉ chút đau khổ cũng sẽ khiến cho bạn cảm thấy cả đời mình chìm trong bất hạnh.

Thế nhưng nếu tấm lòng của bạn rộng mở như một hồ nước, dù có thêm vào đó bao nhiêu đau khổ cũng không thể vùi lấp đi sự lạc quan và thành công của bạn.

Xem thêm  8 cách dạy con thành tài của bậc cha mẹ thông minh: Không phải để lại núi vàng, hãy giúp con có tư duy và trở thành "doanh nhân nhí" ngay từ bây giờ

Trần Quỳnh – soha/ Trí thức trẻ

Link

 

 

 

 

Comments are closed.