Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Ảnh đặc nhiệm Mỹ bế mẹ con gốc Việt thành biểu tượng trong bão Harvey

Bức ảnh đặc nhiệm Mỹ bế chị Catherine Phạm và con trai 13 tháng tuổi giữa nước lũ trong bão Harvey đã trở thành biểu tượng.

đặc nhiệm Mỹ, bế mẹ con gốc việt, biểu tượng, bão harvey

Con trai chị Catherine Phạm ngủ say trong lòng mẹ. Hai mẹ con được một cảnh sát Mỹ bế tới nơi an toàn, băng qua nước lũ. Ảnh: AP.

Ngày hôm qua, hình ảnh một thành viên đội đặc nhiệm Mỹ (SWAT) bế mẹ con người phụ nữ gốc Việt đã xuất hiện trên nhiều trang web và các bản tin thế giới, trở thành biểu tượng về sự đấu tranh của con người với sức phá hoại của bão Harvey, theo AP.

Bé Aiden Phạm, 13 tháng tuổi, được bọc trong một cái chăn và ngủ say trong vòng tay mẹ. Chị Catherine Phạm, 30 tuổi, ôm chặt con trai khi được sĩ quan Daryl Hudeck bế qua vùng nước sâu tới đầu gối ở khu vực Interstate 610, phía tây nam Houston. Hudeck đội một chiếc mũ bóng chày, khuôn mặt lộ vẻ mệt mỏi, đầu gối quần bị rách.

“Tôi cứ dõi mắt nhìn quanh và chẳng mấy chốc phát hiện một thành viên SWAT đang bế cô ấy và cháu bé. Tôi không thể tin được có một đứa trẻ đang được ủ ấm ở đó và không hề khóc”, phóng viên ảnh David Phillip kể lại khoảnh khắc ông nhìn thấy ba người vào chiều 27/8. “Tôi thấy tim mình mềm lại. Cảm giác ấy thật đặc biệt”.

Xem thêm  Vì sao công an không truy ngay số điện thoại khi Vương Văn Hùng gọi yêu cầu nữ sinh giao gà?

Chồng, con và chị Catherine Phạm được giải cứu từ nhà trong khu Meyerland của thành phố, nơi nhiều ngôi nhà nước ngập tới mái. Chị Phạm được đưa tới một điểm tập kết nằm cao hơn khu vực bị ngập. Phillip chỉ kịp hỏi tên tuổi của hai mẹ con.

“Nhà bị ngập hoàn toàn, nhưng ít nhất chúng tôi vẫn còn được bên nhau”, chị Phạm viết trên Facebook tối hôm qua. “Chúng con biết ơn vì Chúa đã che chở chúng con hôm nay!”

Ngay sau khi gia đình chị Phạm được giải cứu, Phillip lập tức gửi dữ liệu lên mạng. Thật may mắn vì không lâu sau, con thuyền ông đang ngồi đâm vào một vật chìm dưới nước, có thể là một chiếc ôtô. Phillip lộn nhào xuống nước, chân mắc vào động cơ thuyền. Ông được lính cứu hỏa kéo lên nhưng một camera và tất cả ảnh bên trong đều mất khi chìm xuống nước.

Phillip, 51 tuổi, là phóng viên ảnh của AP hơn 20 năm nay. Ông từng đưa tin về nhiều cơn bão như Katrina, Ike và Rita, nhưng vẫn sốc khi Harvey quét qua thành phố quê hương Houston.

“Sau bão Katrina, tôi từng nhìn thấy nhiều điều đáng ngại, như chó ăn xác người và những điều tương tự”, ông nói. “Tuy nhiên, khi những điều này xảy đến ngay tại quê mình, cảm giác đó thật đáng sợ. Tôi cứ mong đây là một cơn ác mộng và khi tỉnh lại, ác mộng sẽ qua đi. Nhưng thực tế không phải vậy”.

Xem thêm  Bé 9 tuổi suýt chết vì ăn xoài, chuyên gia cảnh báo không ăn xoài nếu có dấu hiệu sau

Houston trước và sau khi hứng bão Harvey.

Đối với Phillip, chứng kiến cảnh sát giải cứu những người như Catherine và Aiden Phạm đã nhắc nhở ông về sức chịu đựng của quê nhà.

“Đó là những khoảnh khắc mà ta sẽ mãi ghi nhớ, như khi một cảnh sát trưởng lao ra ngoài giải cứu một người khỏi chiếc xe đang ngập trong nước”, ông nói. “Tôi sẽ luôn nhớ nỗi kinh hoàng trên mặt người đàn ông đang được cứu và sự cống hiến của lực lượng thực thi pháp luật đã làm tất cả để cứu người”.

Bão Harvey, mạnh cấp 4, bắt đầu đổ bộ bang Texas từ cuối ngày 25/8. Đây là cơn bão mạnh nhất tấn công nước Mỹ trong 12 năm, với sức gió 210 km/h. Bão mang theo mưa lớn và gió mạnh, phá hủy nhiều nhà cửa và gây lụt nghiêm trọng ở Houston, thành phố lớn thứ tư tại Mỹ, khiến ít nhất 10 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới gần nửa triệu người Mỹ.

Theo Vnexpress