Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Bão số 9: “Dấu hiệu bất thường” ở đảo Phú Quý, hàng nghìn người dân Nha Trang rời làng

Hàng loạt tỉnh đã và đang khẩn trương ứng phó trước diễn biến phức tạp của bão số 9 (bão Usagi).

Huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận: Trước diễn biến khó lường của cơn bão số 9 (bão Usagi), lúc 21 giờ ngày 23/11, ông Bùi Thế Nhân (Bí thư huyện đảo Phú Quý) thông tin với Thanh niên, đảo bắt đầu có mưa và gió nhẹ. Trên đảo không còn một tàu thuyền nào ngoài khơi, tất cả đã về nơi trú bão an toàn.

Theo ông Nhân, một số người dân trên đảo nói thấy hiện tượng sóng “ngọn cờ”.

“Theo kinh nghiệm của ngư dân trên đảo “đó là dấu hiệu bất thường”. Bất thường trước nhất đây đang là mùa gió, nhưng trên biển gió lại êm. Bất thường thứ hai là trên biển khu vực đảo Phú Quý xuất hiện sóng bạc đầu, sóng ngọn cờ, hiện tượng này không bao giờ xuất hiện ở mùa gió bấc”, Thanh niên dẫn lời Bí thư huyện đảo Phú Quý.

Tàu thuyền đảo Phú Quý neo đậu. Ảnh: VTC News

Ghi nhận của Pháp luật TP.HCM cho hay, người dân tỏ ra lo lắng khi thấy sóng bạc đầu xuất hiện trên đảo. Bởi điều này làm họ nhớ tới cơn bão số 9 năm 2006 (bão Durian) khi quét qua đây đã gây thiệt hại nặng nề. Thời điểm ngay trước khi bão Durian vào thì tại đảo cũng có sóng bạc đầu.

TP Nha Trang, Khánh Hòa: Theo ghi nhận của Zing.vn, chiều qua, hàng nghìn người dân Nha Trang đã rời làng đến trường học, đồn biên phòng để trú, tránh bão.

Giới chức tỉnh đã huy động các lực lượng để di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Những hộ dân vừa bị lũ quét, sạt lở gây sập nhà, những hộ ở khu vực xung yếu được ưu tiên di dời.

Ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nha Trang thông tin với báo Khánh Hòa, dù tâm bão số 9 không còn đi thẳng vào Khánh Hòa, nhưng công tác ứng phó vẫn được thực hiện nghiêm ngặt, bởi nguy cơ mưa lớn, gây sạt lở, lũ quét tiềm ẩn rất cao.

Địa phương tổ chức rà soát vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, có nguy cơ sạt lở, xung yếu, đảm bảo cơ sở vật chất để di dời, sơ tán dân. Tổ chức cắm các biển báo nguy hiểm, chốt chặn tại các vị trí này, kiên quyết không cho người dân trở lại khu vực nguy hiểm khi mưa, bão chưa tan, tránh xảy ra thương vong.

Theo ông Thọ, tính đến chiều 23/11, công tác ứng phó đã cơ bản được thực hiện theo kế hoạch.

Xem thêm  7 câu chuyện ngụ ngôn của Trung Hoa: Người lớn nên đọc, trẻ nhỏ lại càng nên nghe

“Đợt bão số 9 này dự báo lượng mưa là 300mm-350mm, do đó đề nghị các lãnh đạo xã phường đặc biệt lưu ý, nếu một phút sơ sẩy không di dời kịp thì mạng người sẽ ra đi”, Tuổi trẻ dẫn lời Chủ tịch UBND TP Nha Trang

Tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, một số hộ dân chủ quan vì cho rằng bão không vào Nha Trang, tuy nhiên chính quyền cương quyết di dời, với trường hợp chưa di dời thì sẽ bị cưỡng chế, để đảm bảo an toàn.

Người dân thành phố Nha Trang lấy cát cho vào bao để giằng giữ mái nhà. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN

Người dân phường Vĩnh Trường tại nơi trú bão. Ảnh: Khánh Hòa online

Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Chiều 23/11, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Văn Trình đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó với cơn bão số 9, yêu cầu gấp rút hoàn thành công tác di dời dân tại các khu vực xung yếu, tàu thuyền, lồng bè nuôi thủy sản đến nơi an toàn, chậm nhất trước 12 giờ ngày 24/11.

Báo cáo của Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh này cho hay, tính đến 13 giờ ngày 23/11, tổng số tàu thuyền trong tỉnh đã vào bờ 3.847 tàu/17.572 ngư dân; Số tàu đang hoạt động trên biển 2.030 tàu/11.506 ngư dân, hiện đã ở các khu vực ngoài vùng nguy hiểm; Tổng số người dự kiến phải sơ tán, di dời trước khi bão đổ bộ 158.534 người/42.423 hộ.

Tất cả các địa phương đã chuẩn bị đủ số lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết theo các phương án sơ tán của địa phương đã ban hành.

Ngư dân chằng chống tàu thuyền. Ảnh: Mạnh Thắng/Báo Bà Rịa – Vũng Tàu

Tỉnh Phú Yên: Tại TP Tuy Hòa từ trưa 23/11 đã có mưa lớn kèm gió giật mạnh. Thường trực Ban Chỉ huy PCLB-TKCN Phú Yên cho biết trên Dân trí tối 23/11, bão số 9 có khả năng ảnh hưởng trực tiếp địa bàn tỉnh, khả năng ngập lụt lớn xảy ra trên diện rộng.

Các lực lượng chức năng của tỉnh đang trực 24/24 giờ, triển khai các các phương án phòng chống trên tinh thần chủ động nhất. 237 tàu thuyền của tỉnh đang đánh bắt trên biển đã được thông báo và tìm chỗ neo đậu.

Tại khu vực ven biển huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa, lực lượng chức năng khẩn trương hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, gia cố, chằng chồng lồng nuôi tôm, cá và kiên quyết di dời người nuôi thủy sản lên bờ trước khi bão đổ bộ.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương nói trên Nhân dân, công tác tuyên truyền, vận động phòng chống bão lũ được các lực lượng ứng phó gấp rút triển khai tại các vùng xung yếu.

Xem thêm  [Nóng] Công an đang khám xét ngôi nhà thứ 2 trong vụ 2 thi thể bị đổ bê tông giấu trong thùng nhựa

Theo ông, quan trọng nhất là giúp dân nắm bắt đầy đủ thông tin về cơn bão số 9, không được chủ quan.

“Các lực lượng chức năng của tỉnh đang sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị tham gia ứng phó và tìm kiếm cứu nạn kịp thời khi có lệnh điều động. Kiên quyết không để xảy ra bị động, ảnh hưởng đến tính mạng của người dân”, Chủ tịch Dương nói.

Tin mới nhất về cơn bão số 9 – bão Usagi

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 22 giờ ngày 23/11, vị trí tâm bão cơn bão số 9 ở vào khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 210km, cách Nha Trang khoảng 220km, cách Phan Thiết khoảng 260km, cách Vũng Tàu khoảng 340km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 100km.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km.

Đến 10 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,6 độ Vĩ Bắc; 109,0 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu và cách Phan Thiết 120km, cách Vũng Tàu 210km.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 200km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80km.

Trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và đi vào đất liền các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu với cường độ mạnh cấp 7-8.

Đến 22 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão ở khoảng 10,5 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, trên bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 130km tính từ tâm bão.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: (gió mạnh cấp 6 trở lên) từ vĩ tuyến 9,0 đến 13,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 113,0 độ Kinh Đông.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp trên khu vực Nam Cam Pu Chia.

Theo Trí thức trẻ

Link