Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Bố mẹ đừng quên bồi dưỡng cho con 6 thói quen này để giúp trẻ trở thành một người mạnh mẽ và xuất sắc

Thời thơ ấu chính là giai đoạn khởi nguồn cuộc đời của trẻ, đó cũng là thời điểm hình thành nên hành vi, thói quen của trẻ. Do đó bố mẹ cần chú trọng bồi dưỡng thói quen tốt cho trẻ, bao gồm thói quen sống, học tập và đối xử với mọi người.

Có 6 thói quen tốt bố mẹ cần bồi dưỡng cho trẻ: 

1. Bồi dưỡng thói quen tự làm việc của mình

Ngay từ bé, bố mẹ cần bồi dưỡng trẻ thói quen là tự làm việc của mình. Bắt đầu từ việc nhỏ, hãy để trẻ tự mang tất vào chân, tự chọn đồng phục, tự kiểm tra bài vở trước khi đến trường.

Khi trẻ đối mặt với một vấn đề, hãy để trẻ tự nêu ra phán đoán, suy nghĩ của mình. Đây là cách rèn luyện tính tự lập và khả năng tư duy cho trẻ.

Cuộc đời của trẻ, hãy để trẻ tự quyết định. Khi trẻ ý thức được những điều trẻ cần phải làm, thời điểm bố mẹ buông tay trẻ, bố mẹ không cần phải lo lắng và trẻ sẽ không cảm thấy sợ hãi.

2. Bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm

Ngay từ nhỏ, Tiểu Phàm đã được mẹ giao làm việc nhà phù hợp với lứa tuổi của em. Mẹ nói với Tiểu Phàm: “Mẹ có trách nhiệm nấu ăn, bố có trách nhiệm rửa chén, con có trách nhiệm đổ rác”. Bởi vậy, Tiểu Phàm luôn có một thói quen mỗi khi thấy thùng rác đầy, em sẽ tự mang rác đi đổ.

Mỗi khi nhà Tiểu Phàm mua đồ dùng gia đình, cả nhà sẽ ngồi lại bàn bạc với nhau. Chẳng hạn như mua ti vi, mua xe… Tiểu Phàm đều có thể đóng góp ý kiến với bố mẹ.

Tiểu Phàm trưởng thành trong một gia đình có bố mẹ tôn trọng ý kiến của mình, bởi vậy em có tính tự giác và tinh thần trách nhiệm. Tiểu Phàm cảm nhận được em là 1 phần quan trọng của gia đình. Đây chính là gia đình của em, không phải là gia đình của riêng bố mẹ.

Xem thêm  Người mẹ mắng con giữa đường vì suốt ngày mang giày ngược, chuyên gia chỉ ra mẹ có lẽ đã dạy con sai cách

Nhiều bố mẹ nghĩ rằng con mình còn bé, không hiểu chuyện. Mọi việc họ đều tự chủ thay con, suy nghĩ thay con, luôn bảo bọc con. Thực tế, những điều bố mẹ đang làm là hại con, bởi họ khiến đứa trẻ mất đi cơ hội được rèn luyện bản thân.

3. Bồi dưỡng thói quen đọc sách

Khi trẻ đọc sách, trẻ sẽ gặt hái rất nhiều lợi ích thiết thực. Chẳng hạn như: tích lũy vốn từ vựng, gia tăng khả năng diễn đạt ngôn ngữ, cải thiện khả năng viết lách, mở rộng tri thức.

Trước 12 tuổi, bồi dưỡng thói quen đọc sách là góp phần thúc đẩy năng lực học hành của trẻ. Giai đoạn này, gia tăng hiểu biết thông qua đọc sách sẽ giúp trẻ cải thiện thành tích, khai thông năng lực tiềm ẩn.

Nhiều phụ huynh than thở: “Con tôi không thích đọc sách”

Nguyên nhân là ngay từ nhỏ, bố mẹ không bồi dưỡng thói quen đọc sách cho trẻ, không tạo môi trường thuận lợi ngay trong chính gia đình.

Trước tiên, bố mẹ hãy trở thành tấm gương cho trẻ noi theo, bằng cách cùng đọc sách cùng trẻ. Không cần giới hạn trẻ với những thể loại sách kinh điển, hãy bắt đầu bằng những quyển sách liên quan đến sở thích của trẻ.

4. Bồi dưỡng thói quen chọn lọc

Mỗi ngày, bố của Tiểu Hạo đều dẫn em đến siêu thị. Trước khi đi, bố nói với Tiểu Hạo: “Lần này đi siêu thị, con chỉ được phép chọn lựa một thứ, bánh quy hoặc là đồ chơi. Nếu con chọn bánh quy, con sẽ được nếm hương vị thơm ngon của bánh. Nếu con chọn đồ chơi, con có thể chơi với nó trong khoảng thời gian dài”.

Lần đầu tiên, Tiểu Hạo chọn bánh quy. Bố dẫn em đến quầy bánh có đủ thương hiệu và hương vị cho em chọn lựa. Lần sau đến siêu thị, Tiểu Hạo chọn mua đồ chơi, bố cho phép em được mua món đồ chơi yêu thích trong tầm giá tiền phù hợp.

Cuộc đời mỗi người không thể cùng lúc đạt được mọi thứ mình mong muốn. Trong quá trình trưởng thành, chúng ta không ngừng học cách chọn lọc và từ bỏ.

Xem thêm  8 câu cha mẹ hãy nhớ đừng bao giờ nói với con

Bồi dưỡng thói quen chọn lọc, cũng chính là bồi dưỡng thói quen suy nghĩ cho trẻ. Sau này khi trẻ trưởng thành, đứng trước những lựa chọn quan trọng, trẻ sẽ biết chính xác mục tiêu của mình. Trẻ có mục tiêu càng sớm thì khả năng đạt được thành công càng cao.

5. Bồi dưỡng thói quen sống có quy luật

Bố mẹ nên giúp trẻ bồi dưỡng thói quen sống có quy luật. Chẳng hạn như: Giờ thức giấc, ăn sáng, làm bài tập, đọc sách, đi ngủ… Những việc này tuy nhỏ, nhưng rèn luyện tính kiên trì với một đứa trẻ là điều không dễ dàng.

Khi trẻ đã quen với cơ chế vận hành của đồng hồ sinh học, sức khỏe của trẻ không những nâng cao, mà còn tác động tích cực đến quá trình làm việc của trẻ sau này. Sống có quy luật, làm việc có kế hoạch rõ ràng sẽ giúp trẻ đạt được thành công trong tương lai.

6. Bồi dưỡng thói quen lắng nghe, giúp đỡ mọi người

Mỗi đứa trẻ đều có suy nghĩ của riêng mình. Những bậc cha mẹ thông minh đều tinh tế, nhẫn nại lắng nghe những điều trẻ nói.

Lắng nghe trẻ nói là cách bố mẹ thể hiện sự tôn trọng đối với trẻ. Khi bố mẹ lắng nghe trẻ, trẻ sẽ nhận ra bản thân cũng cần kiên nhẫn lắng nghe người khác. Bố mẹ cần nói cho trẻ biết: “Lắng nghe suy nghĩ của người khác đôi khi cũng rất thú vị”.

Hãy bồi dưỡng trẻ học cách tôn trọng ý kiến của người khác cũng như cách thấu hiểu và giúp đỡ mọi người. Đứa trẻ như vậy, khi lớn lên, nhất định sẽ nhận được sự yêu quý của mọi người. Trong mối quan hệ xã hội, trẻ sẽ dễ dàng tạo lập và kết nối với nhiều người, và đó chính là bí quyết giúp trẻ đạt được thành công sau này.

Mèo Ròm – Helino

Link