Thứ Sáu, Tháng Ba 29
Shadow

Cảnh báo nạn bạo lực học đường

Thời gian gần đây, hàng loạt vụ bạo lực học đường với mức độ ngày càng tàn bạo và nghiêm trọng hơn liên tục xảy ra, gây xôn xao trong dư luận.

bạo lực học đường, đánh nhau

Bạo lực học đường vấn nạn cần được đẩy lùi (Ảnh minh họa)

Điều đáng lo ngại là bên cạnh sự hung hăng của một bộ phận các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường, còn có sự thờ ơ, không để tâm của nhiều bậc cha mẹ. Bạo lực học đường không chỉ có học sinh nam đánh học sinh nam, mà còn nam đánh nữ, nữ đánh nữ, đánh hội đồng, hoặc tồi tệ hơn là học sinh (và cả phụ huynh) đánh thầy cô giáo và ngược lại. Trong đó, có nhiều vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước trong thời gian gần đây, đã cho thấy, bạo lực học đường đang trở thành nguy cơ, được nhìn nhận như một tội ác cần phải nghiêm khắc lên án.

Thực tế, tại một số nhà trường, tình trạng học sinh kéo bè cánh đánh nhau có chiều hướng gia tăng, không chỉ xảy ra do bột phát, mà nó được lên kế hoạch từ trước, chủ động quay clip đưa lên mạng và được bạn bè cổ súy. Bạo lực học đường đã để lại hậu quả cả về thể chất, tâm lý và tinh thần cho học sinh, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục.

Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đưa ra con số thật đáng suy ngẫm: Những vụ bạo lực học đường, mà đối tượng là học sinh nữ tăng 13 lần so với 10 năm về trước. Có 96,7% học sinh Hà Nội tham gia trả lời phỏng vấn đã khẳng định có tới 97,9% học sinh từng đánh nhau không tỏ ra ân hận, không nhận thức được hành vi của mình, trong đó, 57,3% coi đánh nhau là việc bình thường và 39,6% cho rằng đây là hành vi “chấp nhận được”? Càng đáng sợ hơn là thái độ bàng quan, thờ ơ của những người đứng xem, cổ vũ, mà phần đông là các bạn trẻ.

Con số vừa nêu đã cho thấy một sự thật đáng lo ngại là một bộ phận giới trẻ đã và đang chấp nhận sống chung với cái xấu, cái ác. Họ không những không có thái độ đấu tranh với cái xấu, cái ác, mà còn thờ ơ, lãnh đạm, thậm chí còn bao che cho những hành động tội lỗi của bạn bè cùng trang lứa. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực của học sinh nói chung và học sinh nữ nói riêng thuộc về cả gia đình, nhà trường, xã hội và từ chính bản thân các em.

Xem thêm  Vụ học sinh lớp 2 bị tát 50 cái: Cô giáo có nói dọa "tát cho bạn cái"

Một chuyên gia tâm lý cho rằng, điểm xuất phát của tình trạng bạo lực học đường là sự cô đơn bế tắc của trẻ. Cha mẹ mải lo làm ăn, thầy cô chỉ thể hiện trách nhiệm trong giờ học, người lớn thiếu lòng yêu trẻ, khiến các em cảm thấy trống vắng, thiếu sự gần gũi, chia sẻ…

Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tức khoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày. Dù vì bất kỳ lý do gì, việc các em học sinh quây nhau đánh hội đồng, hạ nhục bạn bè là việc không thể chấp nhận được.Những em bị đánh phải gánh chịu tổn thương tâm lý nặng nề, luôn sống trong cảm giác lo lắng sợ hãi, mặc cảm với bạn bè và mọi người xung quanh. Để gượng dậy sau cú sốc tinh thần này, các em phải mất rất nhiều thời gian với sự cảm thông chia sẻ đặc biệt từ gia đình, thầy cô và bạn bè thân thiết.

Vấn nạn bạo lực học đường thì đã rõ, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn thờ ơ với hiện tượng này vì…không phải việc của con mình. Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm. Người lớn, cả thầy cô lẫn cha mẹ, có khi không hay biết, có khi xem đó như là một phần tự nhiên của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết (trừ khi những hành vi này đi đến thái quá) mà không biết rằng những hành vi bạo lực được lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ gây ra những tổn thương thể chất hoặc tâm lý cho nạn nhân, và gây ảnh hưởng xấu đến môi trường học tập chung vì các em học sinh không cảm nhận được sự an toàn ngay trong chính ngôi trường của mình. Đã có không ít học sinh không chịu đến trường vì sợ bị bạn bè trêu chọc, đánh đập. Điều đó cho thấy môi trường nhà trường không còn lành mạnh, hấp dẫn và là nỗi sợ hãi của học sinh.

Xem thêm  Khi dạy con cha mẹ ngàn lần không nên cấm trẻ làm 9 điều này, bằng không sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển sau này của bé

Trước việc liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường ở nhiều địa phương thời gian qua, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhận định, bạo lực học đường đang diễn ra hết sức phức tạp. Không chỉ nam sinh đánh nhau, mà khá nhiều vụ học sinh nữ cũng đánh nhau hội đồng, thô bạo. Nhiều vụ việc đã gây hậu quả rất nghiêm trọng. Nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước hành vi bạo lực, chẳng những không can ngăn mà còn hùa theo và sử dụng điện thoại di động để quay video và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho hành vi bạo lực này. Để giải quyết nguyên nhân đến từ phía nhà trường, Bộ Giáo dục sẽ đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn học Giáo dục công dân, môn học Đạo đức. Giáo dục công dân được đưa thành môn thi tốt nghiệp THPT trong năm 2017.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống sẽ được tích hợp vào các môn học, thông qua việc tổ chức hoạt động trải nghiệm. Các trường cũng đẩy mạnh công tác tham vấn, tư vấn tâm lý học đường, xây dựng và thực hiện bộ quy tắc về văn hóa ứng xử trong trường học. Bạo lực học đường đã và đang trở thành nỗi lo lắng, ám ảnh của nhiều gia đình, phụ huynh, nhà trường và toàn xã hội bởi tính nghiêm trọng mà thực trạng gây ra.

Thiết nghĩ, cần có một giải pháp hiệu quả để “đặc trị” bạo lực học đường mạnh hơn nữa; xiết chặt hơn nữa sự tương tác giữa gia đình và nhà trường, nhà trường và lực lượng chức năng để các em học sinh sớm nhận thức được những hậu quả khôn lường của bạo lực học đường. Với những học sinh vi phạm bạo lực học đường, cần sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể, tổ dân phố, gia đình, nhà trường trong việc răn đe, cảm hóa các em, giúp các em bớt mặc cảm, sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Theo hoinongdan