Thứ Sáu, Tháng Ba 29
Shadow

Cuộc đời vị công chúa là hậu duệ Tư Mã Ý: Bị bán theo đúng nghĩa đen, đầu thai đúng chỗ vẫn thua số trời!

Dù mang trong mình dòng máu của hoàng tộc Tư Mã nổi danh, vị công chúa nhà Tây Tấn này đã phải trải qua quãng đời khuất nhục và cơ cực khi lâm vào cảnh nước mất nhà tan.

 

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, công chúa thường được dùng làm cách để gọi con gái của Hoàng đế. Thân phận cao quý mà họ sở hữu vừa vượt xa những cô gái bình dân, lại vừa khiến tiểu thư của các vương công, đại thần chỉ có thể ngưỡng vọng chứ không cách nào sánh bằng.

Thế nhưng trải qua nhiều biến động của lịch sử, không ít những công chúa sinh ra với dòng máu hoàng thân quốc thích đã phải chịu cảnh nước mất nhà tan. Khi vương triều của gia tộc đã không còn trụ vững trên ngai vàng, họ lại trở thành những người có số phận bi đát và thảm thương hơn ai hết.

Sau mỗi cuộc chuyển giao ngôi báu, nhiều công chúa tiền triều đã chấp nhận từ bỏ mạng sống bằng cách tự vẫn để bảo vệ sự trong sạch của bản thân cũng như sự tôn nghiêm của hoàng tộc.

Số ít những người có can đảm sống tiếp cũng gặp phải đủ hoàn cảnh bất hạnh. Thậm chí số phận của họ còn bi đát tới mức vượt xa sức tưởng tượng của hậu thế và nằm ngoài phạm vi ghi chép của sử liệu.

Trong số đó, nhân vật có cuộc đời thảm thương và ly kỳ hơn cả phải kể tới thứ nữ của vua Tấn Huệ đế (thời Tây Tấn). Nàng được sử sách ghi chép với danh xưng là Thanh Hà công chúa, sau đổi thành Lâm Hải công chúa.

Tuổi thơ sóng gió của công chúa có cuộc đời bất hạnh nhất Trung Hoa: Cha ngây ngốc, mẹ bị biến thành quân cờ

Sinh ra với thân phận là hậu duệ của hoàng tộc Tư Mã và có mối quan hệ thân thích với nhiều nhân vật nổi tiếng như Tư Mã Ý, Tư Mã Chiêu, Tư Mã Viêm… thế nhưng công chúa nhà Tấn này lại có cuộc đời vô cùng bất hạnh. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Tấn Huệ Đế Tư Mã Trung (259 – 307) là vua thứ hai của nhà Tây Tấn, sử cũ miêu tả ông là người “ngây ngốc”, không có năng lực trị quốc vì có vấn đề về trí tuệ.

Năm xưa, Tấn Huệ đế Tư Mã Trung của nhà Tây Tấn từng có 4 người con gái. Trong đó trưởng nữ là Hà Đông công chúa, thứ nữ là Thanh Hà công chúa, người thứ ba là Thủy Bình công chúa và con gái út là Ai Hiến Hoàng nữ.

Như vậy nếu xét về vai vế trong gia tộc Tư Mã, Tấn Huệ đế vốn là chắt nội của Tư Mã Ý, còn Thanh Hà công chúa cũng là hậu duệ của nhân vật nổi danh Tam Quốc này.

So với những chị em của mình, Thanh Hà công chúa là người được vua cha yêu thương nhất, nhưng cũng là nhân vật phải chịu số phận bi đát hơn cả. Cất tiếng khóc chào đời trong bối cảnh nội bộ vương triều nhiễu nhương, dường như số phận từ sớm đã an bài cho vị công chúa này một cuộc đời không hề yên bình.

Trước khoảng thời gian Thanh Hà công chúa ra đời, hậu cung Tây Tấn từng trải qua không ít biến cố, trong đó có cái chết của Hoàng hậu Giả Nam Phong. Sau khi người tiền nhiệm của ngôi vị “mẫu nghi thiên hạ” bị giết, ngai Hoàng hậu của Tây Tấn vẫn còn để trống.

Tấn Huệ đế Tư Mã Trung mặc dù bẩm sinh đã là người “ngây ngô đần độn”, thế nhưng xét trên danh nghĩa, ông vẫn là một Hoàng đế danh chính ngôn thuận. Vì vậy việc tuyển kế hậu cho nhà vua cũng là việc bắt buộc phải làm.

Bấy giờ, Nhiếp chính vương Tư Mã Luân đã giao việc này cho thân tín Tôn Tú. Và ứng cử viên sáng giá cho ngai vị mẫu nghi chính là Dương Hiến Dung – con gái của đại thần Dương Lục và được cho là mẹ thân sinh ra Thanh Hà công chúa.

Mang trong mình dòng máu hoàng tộc nhưng sinh nhầm vào lúc nội loạn, những năm tháng sống trong hoàng cung của công chúa Thanh Hà có lẽ chưa bao giờ thực sự yên bình. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Tháng 11 năm 300 sau Công nguyên, Dương thị được chính thức sắc phong làm Hoàng hậu thứ hai của Tấn Huệ đế. Thế nhưng ít ai biết rằng, việc bà có thể bước lên ngai vị này thực chất chỉ là một bước đi trên bàn cơ chính trị giữa các phe phái trong triều lúc bấy giờ.

Xem thêm  4 bí quyết khiến 'khắc tinh' của Gia Cát Lượng sống thọ: Đối thủ sống thế nào, làm ngược lại!

Kể từ khi trở thành nạn nhân và bị cuốn vào những tranh đấu nội bộ, Dương Hiến Dung đã từng nhiều lần phải đối mặt với lằn ranh sinh tử. Trong vòng 10 năm làm mẫu nghi thiên hạ, bà thậm chí đã bị phế 5 lần và sau đó lại tiếp tục được tái lập.

Giữa thời điểm hoàng tộc Tư Mã đang rối ren vì tranh đấu, Hoàng hậu Dương thị đã hạ sinh cho Tấn Huệ đế người con gái thứ hai. Đó chính là Thanh Hà công chúa.

Mặc dù phụ hoàng ở ngôi cửu ngũ chí tôn, nhưng vị vua được miêu tả là “ngây ngốc”, “thiểu năng” như Tấn Huệ đế từ sớm trở thành bù nhìn, bị xem là kẻ vô năng, nhu nhược, bị coi như một con rối để các phe phái trong triều thỏa sức điều khiển.

Về phần mẫu thân Dương Hiến Dung, dù bà xuất thân trong một gia đình danh giá, nhưng suy cho cùng cũng chỉ là một nước cờ thí mạng, ngay tới ngôi hậu cũng hết lần này đến lần khác bị những kẻ dưới quyền mặc sức phế lập.

Từ đó có thể thấy, ngay cả khi được sinh ra trong dòng tộc hoàng gia, chảy trong mình dòng máu cao quý, số phận của công chúa Thanh Hà từ lúc bắt đầu đã gặp phải không ít sóng gió khi ra đời đương buổi loạn lạc.

Nước mất nhà tan, đến công chúa cũng bị bán làm nô tỳ cho nhà giàu

Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, chuỗi ngày êm ấm của công chúa Thanh Hà chẳng kéo dài được bao lâu. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Năm 307, cha ruột của nàng là Tấn Huệ đế bị Tư Mã Việt chuốc rượu độc chết. Hoàng Thái đệ Tư Mã Xí (Tấn Hoài đế) sau khi nối ngôi chỉ tôn mẹ nàng là Dương Hiến Dung làm Hoàng hậu chứ không được làm Thái hậu.

Năm 311, hậu nhân người Hung Nô sáng lập ra đế quốc Hán Triệu, ồ ạt đem quân tấn công Tây Tấn. Tháng 6 năm đó, quân địch đã công hãm tới thành Lạc Dương.

Mắt thấy vương triều đang thoi thóp bên bờ vực tận diệt, hoàng tộc và bách tính trong thành đều sợ hãi tới mức náo loạn. Khi quân địch công phá được thành trì, Hoàng hậu Dương Hiến Dung cùng các con gái cũng phải kéo nhau chạy nạn.

Thế nhưng trên đường bỏ trốn khỏi kinh đô, Thanh Hà công chúa đã vô tình để lạc mất mẫu thân cùng những người chị em của mình.

Vị công chúa nhỏ tuổi ấy rơi vào tay một tên nông phu. Kẻ này vì không biết thân phận thật của nàng, ngay sau đó đã “bán đứt” Thanh Hà vào phủ phú hộ Tiền Ôn ở huyện Ngô làm nô tỳ.

Bấy giờ, Tiền phú hộ có một người con gái, từ nhỏ đã quen được nuông chiều nên tính tình hết sức ích kỷ, lại thường xuyên hạch sách và hành hạ người làm.

Sau khi bị bán vào Tiền phủ, Thanh Hà công chúa không may bị phân phó là nha hoàn hầu hạ Tiền tiểu thư. Đoạn đời bi đát và khổ sở như ác mộng của nàng cũng chính thức bắt đầu từ đây.

Vô tình bị kẻ xấu bán làm nô tỳ cho nhà phú hộ, Thanh Hà công chúa đã phải trải qua những ngày tháng bị hành hạ, bóc lột tới mức cùng cực. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Sinh thời, Thanh Hà công chúa chẳng những sở hữu dáng vẻ đoan trang mà còn mang theo khí chất của hoàng thất, xét về góc độ nào cũng có thể nhận thấy nàng xuất chúng hơn hẳn người thường. Thế nhưng chính ưu điểm này của nàng đã khiến cho Tiền tiểu thư vô cùng đố kỵ.

Vốn đã nổi tiếng chanh chua, tiểu thư Tiền phủ vì ganh ghét mà càng đối xử với công chúa Thanh Hà càng lúc càng cay nghiệp, chỉ cần có nửa điểm không hài lòng sẽ lập tức lấy roi đánh đập.

Vị công chúa vong quốc ấy phần vì không nghe hiểu ngôn ngữ địa phương ở vùng này, phần vì muốn che giấu thân phận nên chỉ còn cách âm thầm chịu đựng.

Xem thêm  Tư Mã Ý giết tướng tài để hóa giải lời nguyền trên đá, ai ngờ vẫn thua số trời

Từ thân phận cành vàng lá ngọc trở thành bậc tôi tớ, Thanh Hà ngày ngày phải nhìn sắc mặc tiểu thư Tiền phủ mà sống. Thế nhưng chiếc roi trong nhà họ Tiền vẫn không ít lần thấm đẫm dòng máu hoàng tộc chảy trong người vị công chúa sa cơ ấy.

Cứ như vậy, Thanh Hà công chúa suốt khoảng thời gian đằng đẵng đó đã luôn phải mang trên mình những vết thương chồng chất, phải cắn răng làm những công việc tạp dịch. Thậm chí bản thân nàng cũng không ít lần bị đem nhốt trong phòng, liên tục mấy ngày không được ăn uống chỉ vì khiến chủ nhân nổi giận.

May mắn là hết thảy những khổ đau ấy không thể khiến cho nàng gục ngã. Thanh Hà vẫn luôn cắn răng chịu đựng, cố gắng cầm cự sống qua ngày. Quãng đời đầy tủi nhục và đau khổ của nàng cứ kéo dài như vậy trong suốt 6 năm ròng rã…

Nỗi đau dai dẳng và cuộc đời chưa bao giờ viên mãn của nàng công chúa thuộc gia tộc Tư Mã

Dù được trở về hoàng cung với thân phận công chúa, nhưng cuộc đời của Thanh Hà chưa bao giờ có được sự viên mãn khi phải sống trong cảnh chia cắt với người thân. (Ảnh minh họa).

Tới năm 317, Tấn Nguyên đế Tư Mã Duệ khôi phục Tấn triều ở vùng Giang Nam, sử cũ gọi là triều đại Đông Tấn. Nghe được tin này, Thanh Hà công chúa như nhìn thấy một tia sáng trong đêm tối mịt mù.

Một lần tranh thủ lúc Tiền tiểu thư sai ra ngoài mua phấn, nàng đã vội vã chạy trốn khỏi nơi địa ngục trần gian ấy, trải qua trăm ngàn cay đắng mới tới được đô thành cầu kiến Thiên tử đương triều.

Nhìn thấy cô gái này mặt mày lam lũ, lại ăn mặc trang phục của nô tỳ, những hộ vệ ngoài cửa kinh thành ban đầu không tin nàng là con gái của Tấn Huệ đế. Trải qua nhiều lần thuyết phục, những người này mới miễn cưỡng vào bẩm tấu với nhà vua.

Trải qua 6 năm ròng rã sống dưới thân phận của kẻ tôi tớ, Thanh Hà cuối cùng đã có thể trở lại hoàng cung trong danh vị công chúa của hoàng tộc họ Tư Mã.

Vào ngày hôm ấy, trước mặt Tấn Nguyên đế và bá quan văn võ, nàng đã rơi nước mắt khi kể lại quãng đời vô vàn đau khổ, tủi nhục mà mình từng trải qua. Hết thảy những bi ai và bất hạnh của Thanh Hà công chúa khiến nhà vua vừa thương cảm, lại vừa phẫn uất trước hành động của tiểu thư nhà họ Tiền.

Vì để lấy lại danh dự cho Thanh Hà và rửa hận hoàng gia, Tấn Nguyên đế đã sai người xử tử con gái của phú hộ Tiền Ôn. Chỉ tới khi tiểu thư Tiền phủ phải trả giá cho những việc làm của mình, quãng đời khuất nhục của vị công chúa vong quốc mới được xem là chính thức chấm dứt.

Không lâu sau khi trở về triều, Tấn Nguyên đế danh vị cho Thanh Hà trở thành Lâm Hải công chúa và ban hôn cho nàng. Dù đã trở về với thân phận cao quý của mình, nhưng cuộc đời của nàng vẫn không thể xem là trọn vẹn khi phải xa cách với người mẹ ruột Dương Hiến Dung và các chị em bấy giờ vẫn nằm trong tay nước Hán Triệu.

Bản thân nàng đã nhiều lần hy vọng Tấn Nguyên Đế sớm thống nhất trung nguyên, phục hưng lại vương triều nhá Tấn. Chỉ tiếc rằng vị Hoàng đế này vốn mang tư tưởng an phận thủ thường ấy lại thỏa mãn với việc việc chỉ chiếm cứ một vùng ven của đất Giang Nam.

Sau này, Dương Hiến Dung đã lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Lưu Diệu và được phong làm Hoàng hậu Hán Triệu. Còn về việc Lâm Hải công chúa có được đoàn tụ cùng mẫu thân cùng các chị em của mình hay không lại là điều không ai biết tới.

Giờ đây mỗi khi nhắc tới tên nàng, người đời không chỉ ấn tượng khi biết nàng là con gái của người phụ nữ duy nhất làm Hoàng hậu hai triều mà họ còn không khỏi cảm thán trước số phận bi thảm và đầy tủi nhục của vị công chúa hiếm hoi trong lịch sử bị bán làm nô tỳ năm xưa…

Theo Trí thức trẻ

Link