Thứ Ba, Tháng Tư 16
Shadow

Dạy trẻ tiêu tiền không bao giờ là sớm

Từ tuổi nào mới nên cho con tiếp xúc với tiền bạc? Biết về tiền quá sớm có làm trẻ hư?… Đó là băn khoăn của rất nhiều bà mẹ khi trên thực tế nhiều em bé đã bị “lệch chuẩn” do đồng tiền.

 

 Dạy trẻ tiêu tiền

Chị Hương (29 tuổi, Mai Động), dứt khoát: “Con tôi sẽ chỉ biết đến tiền bạc khi vào cấp 2. Trẻ con mà dính đến tiền là hỏng ngay, kinh nghiệm xương máu của bà chị đấy”.

Cu Khanh, con của chị gái Hương, học lớp 5. Mỗi ngày Khanh được mẹ cho 100 nghìn đồng để ăn sáng và tiêu vặt. Cậu bé dồn tiền vào chơi game điện tử. Hết tiền, Khanh nói dối là cần mua thêm sách vở, dụng cụ học tập để xin thêm. Có khi cùng một khoản nhưng cậu xin được đến 4 lần sau khi “gặp riêng” ông, bà, bố, mẹ. Có lần, bà nội Khanh còn bắt gặp cháu đích tôn lén rút tiền trong túi bố.

Thấy “tấm gương” đó, chị Hương quyết định giữ sự trong sáng cho con bằng việc cách ly con hoàn toàn với tiền. Cậu bé học lớp 3 không được tự ý mua một thứ gì, tiền mừng tuổi mẹ cũng giữ hộ. Muốn mua gì, dù là cục tẩy hay cây kem, cậu bé đều phải nói với mẹ và mẹ sẽ mua cho.

Không chỉ Hương, nhiều bà mẹ cũng lo lắng về ảnh hưởng xấu của tiền bạc với con cái. Họ rất băn khoăn về việc lúc nào thì nên cho trẻ biết về đồng tiền và sử dụng nó. Theo thạc sĩ Trần Văn Tính, giảng viên tâm lý Đại học Quốc gia Hà Nội, câu trả lời là: Càng sớm càng tốt, ngay khi nhận thấy trẻ có thể hiểu được. Nếu hoàn toàn không biết gì về tiền bạc, trẻ lớn lên sẽ không biết tính toán và trở nên ngô nghê, bị động.

Thạc sĩ Tính kể: Có lần một nam sinh viên có quan hệ khá thân với gia đình ông gọi điện, bảo mẹ đi vắng, đưa 100 nghìn đồng bảo tự mua đồ ăn sáng; và cậu nhờ chỉ giúp là với số tiền đó thì mua cái gì, ở đâu. Hóa ra từ bé đến nay, ngoài việc đóng tiền học và sắm sách vở, cậu chưa phải tự mua bất cứ cái gì cho sinh hoạt cá nhân nên hoàn toàn lúng túng khi phải tự mua qùa sáng. 

Xem thêm  Hai người đàn ông bí ẩn trong vụ án Phan Văn Vĩnh

Việc sử dụng tiền giúp đứa trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, quản lý và tổ chức cuộc sống. Ngoài ra, qua đồng tiền, bố mẹ cũng có cơ hội dạy con biết giá trị của sức lao động và quý trọng lao động. Bạn nên nói cho trẻ hiểu, để có được tiền cho con mua đồ chơi, sách vở…, bố mẹ đã phải làm việc vất vả như thế nào, từ đó trẻ sẽ biết quý đồng tiền và không tiêu pha hoang phí.

Câu chuyện của người bố sau đây là một gợi ý: Con gái xin 10.000 đồng để mua hộp kem. Hai bố con ra đường, nhìn thấy một chị lao công cặm cụi quét rác dưới trời mưa. Bố bảo: “Con biết không, cô ấy làm vất vả như vậy cả buổi tối mà cũng chỉ được 10.000 thôi đấy”. “Làm cả buổi tối mà chỉ mua được một hộp kem thôi hả bố?” – con gái tần ngần. Và từ đó bé rất cân nhắc khi xin tiền, và băn khoăn thương bố khi thấy bố làm việc khuya.

Con bạn sẽ không thể hiểu được giá trị của đồng tiền nếu bố mẹ cứ cho ngay mỗi khi được yêu cầu. Thạc sĩ Trần Văn Tính kể: Có lần ông đi picnic cùng một nhóm học sinh. Có vài em vào cửa hàng, nhặt ào ào đủ loại thức ăn rồi thanh toán số tiền lớn mà không cần hỏi giá. Nhưng trong buổi đi chơi, các em cũng chỉ ăn vài miếng rồi sau đó vứt hết cho nhẹ ba lô.

Khi được hỏi, mấy học trò này chỉ nói đơn giản: “Có đáng gì đâu ạ? Cứ mua nhiều cho nó thoải mái, ăn hết bao nhiêu thì ăn”. Những cháu bé này không hề có ý niệm gì về giá trị của đồng tiền nên sẽ không biết quý trọng công sức của bố mẹ, vì vậy chưa chắc đã biết ơn khi nhận số tiền lớn so với những trẻ khác chỉ được cho 10.000 đồng nhưng biết tiền ấy do đâu mà có. 

Xem thêm  Anh em sinh đôi lấy chị em sinh đôi ở Cà Mau đẻ con giống nhau

Vì vậy, bạn đừng bao giờ cho tiền ngay khi con xin. Nên yêu cầu trẻ nói rõ sẽ dùng số tiền đó để mua gì, thứ đó cần thiết như thế nào, nếu chính đáng mới đồng ý (nếu không thì phải giải thích cho con hiểu). Chẳng hạn, nếu trẻ bảo muốn mua một con búp bê, bạn hãy hỏi con tại sao muốn có nó trong khi bé đã có những búp bê khác, thứ đồ chơi mới ấy hấp dẫn ở chỗ nào, và có thể yêu cầu bé tỏ ra xứng đáng với món quà (như trong vòng 1 tuần tới luôn tự giác dậy đúng giờ để đến lớp).

Với cách trên, con bạn sẽ rèn luyện được khả năng diễn đạt ý kiến, khả năng thuyết phục, và không nhiễm phải tư tưởng đòi gì được nấy như nhiều “con cưng” hiện nay.  

Sau khi cho, bạn nên giám sát để biết trẻ có dùng tiền đúng mục đích nó nói hay không, vì không ít trẻ nêu lý do rất chính đáng nhưng thực tế ngược lại. Trường hợp của Minh (15 tuổi, Kim Giang, Hà Nội) là một ví dụ. Cậu bé xin bố 300.000 đồng để mua quà tặng gia sư – người mà cả gia đình đều quý mến. Bố cậu cho ngay, và sau đó phấn khởi biết rằng thầy giáo được tặng chiếc cà vạt rất đẹp. Một thời gian sau, tình cờ ông biết được rằng vào dịp đó, Minh cũng xin tiền của mẹ, ông nội, bà nội… với một lý do trên. Số tiền dôi ra, cậu cùng mấy người bạn thử mùi karaoke “tươi mát”.

Vậy phải chăng thay vì cho tiền, bố mẹ nên đi cùng con đi mua những thứ trẻ yêu cầu? Theo các chuyên gia, điều này không cần thiết, nhất là với trẻ lớn, vì sẽ gây nên tính thụ động, kém tính toán và phản ứng tiêu cực ở trẻ khi thấy mình không được tin tưởng. Nếu thực sự quan tâm, bạn sẽ có những cách tế nhị để biết con mình sử dụng đồng tiền có đúng mục đích hay không.

Hải Hà/ Vnexpress

Link