Thứ Tư, Tháng Tư 24
Shadow

Dù có tới 4 ‘bộ óc đại tài’, Tào Tháo vẫn thảm bại trận Xích Bích vì 4 điều sau

Lưu Bị

Tập đoàn mưu sĩ’ đông đảo của Tào Tháo với nhiều nhân vật xuất chúng như Tuân Úc, Tuân Du, Giả Hủ… vẫn không thể giúp vị quân chủ này tránh được thất bại trong trận Xích Bích.

Xem thêm  Không am hiểu quân sự nhưng tại sao Lưu Bị có thể tạo dựng nên nhà Thục?

Theo chính sử ghi lại, trận Xích Bích xảy ra vào năm Kiến An thứ 13, tức năm 208 sau công nguyên, giữa liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị với quân đội lấy danh nghĩa triều đình của Tào Tháo.

Trận chiến này được đánh giá là một trong những trận lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh kinh điển hàng đầu trong lịch sử Trung Hoa, cũng được xem là một trong “tam đại chiến dịch” nổi bật nhất thời kỳ Tam quốc.

Thông qua chiến thắng tại Xích Bích, Tôn Quyền và Lưu Bị đã chia nhau Kinh Châu, từ đó đặt cơ sở cho sự hình thành của thế chân vạc. Điểm đáng chú ý nằm ở chỗ, khi tham gia trận chiến lịch sử nói trên, phe Tào Tháo mặc dù đã mất đi Quách Gia những vẫn còn tứ đại mưu sĩ cùng vô số nhân tài khác.

Vậy tại sao ngay cả khi đã có trong tay 4 bộ óc đại tài về mưu lược, cùng một tập đoàn mưu sĩ đông đảo, Tào Tháo vẫn phải nhận kết cục đại bại trước liên quân Tôn – Lưu?

Nguyên nhân thứ nhất: Sự “vắng bóng” của quân sư mưu lược trụ cột – Quách Gia

Lưu Bị

Đầu tiên, có thể khẳng định rằng những chiến thắng của Tào Tháo trước các thế lực chư hầu như Viên Thiệu, Viên Thuật, Lữ Bố, Mã Siêu… có một phần công lao không nhỏ của tập đoàn mưu sĩ đông đảo. Trong số này, nổi bật nhất phải kể đến 5 đại mưu sĩ dưới trướng ông. Đó là Tuân Úc, Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục và Giả Hủ.

Thế nhưng cuộc chiến Xích Bích xảy ra vào năm 208, mà Quách Gia trước đó đã lâm bệnh qua đời vào năm 207. Nên khi trận đại chiến lịch sử này xảy ra, Tào Tháo chỉ còn lại tứ đại mưu sĩ: Tuân Úc, Tuân Du, Trình Dục và Giả Hủ.

Tuy nhiên sự thực là trong trận chiến này, bốn mưu sĩ được mệnh danh là những bộ óc đại tài về mưu lược nói trên lại không mấy phát huy tác dụng.

Có ý kiến cho rằng, sai lầm có hệ thống trong chiến dịch chinh phạt miền Nam của Tào Tháo phần nào liên quan tới cái chết của Quách Gia. Sự vắng bóng của nhà quân sư hàng đầu trong đội ngũ tham mưu này đã khiến Tào Tháo đưa ra quyết sách thiếu đúng đắn.

Có giai thoại còn truyền lại, bản thân vị quân chủ họ Tào khi nhìn lại thất bại của mình cũng từng nói: “Nếu như có Quách Gia thì ta không bao giờ rơi vào tình cảnh thế này”.

Từ đó có thể xem đây là một trong những nguyên nhân khiến Tào Mạnh Đức phải nhận “quả đắng” trước liên quân Tôn – Lưu tại Xích Bích.

Nguyên nhân thứ hai: Xuất thân tương đồng của tứ đại mưu sĩ dưới trướng Tào Tháo

Lưu Bị

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến thất bại Xích Bích nằm ở chỗ, cả 4 mưu sĩ chủ chốt của Tào Tháo đều là những sĩ phu miền Bắc, sống lâu đời ở bình địa Trung Nguyên, thiếu kinh nghiệm về thủy quân, thủy chiến.

Căn cứ theo ghi chép của Tam Quốc chí, Giả Hủ là người Cô Tang, thuộc Cam Túc ngày nay. Trình Dục sinh tại Duyện Châu, thuộc Sơn Đông giờ đây. Còn Tuân Úc, Tuân Du đều là người Toánh Xuyên, tức Hà Nam (Trung Quốc) sau này.

Đối với những mưu sĩ gắn bó cả đời với phương Bắc Trung Nguyên như vậy, việc họ không giỏi thủy chiến, cũng biết rất ít về sách lược đối với thủy quân cũng là điều dễ hiểu.

Bản thân Tào Tháo nắm rõ hơn ai hết điểm yếu chí mạng của tứ đại mưu sĩ dưới tay mình, lại thêm nhiều lần giao tranh ban đầu không giành được lợi thế, vị quân chủ này liền quyết định lui quân về đóng ở Ô Lâm, tiếp tục thao luyện thủy binh để chờ đợi thời cơ.

Nguyên nhân thứ ba: Để nhân tài ở lại hậu phương, Tào Mạnh Đức lao đao nơi tiền tuyến

Lưu Bị

Ngoài hai nguyên nhân kể trên, việc tứ đại mưu sĩ không thể phát huy năng lực trong đại chiến Xích Bích còn bắt nguồn từ chính cách phân phó công việc của Tào Tháo.

Trong số bốn đầu não mưu lược này, Tuân Úc gần như gánh vác toàn bộ công việc ở hậu phương. Do đó trong trận Xích Bích, ông không thể túc trực bên cạnh Tào Tháo. Đây cũng là một trong những lý do khiến vị quân sư trụ cột này không thể kịp thời nắm bắt và đưa ra sách lược đối với với mưu kế của nhóm người Chu Du, Gia Cát Lượng.

Điểm mấu chốt hơn chính là, Tuân Úc dần phát hiện Tào Tháo có dã tâm soán ngôi đoạt vị nhà Hán. Do đó ông dần nảy sinh khoảng cách với chính vị quân chủ mà mình từng cúc cung tận tụy, sau cùng ưu sầu mà qua đời.

Trước đó, vào năm Kiến An thứ 12 (năm 207), khi luận công ban thưởng, Tào Tháo đã hạ lệnh phân phó rằng quân sư Tuân Du không cần thường xuyên theo quân chinh chiến mà có thể ở lại hậu phương để trông coi việc thi hành hình phạt. (Theo Sohu).

Như vậy, hai mưu sĩ chủ mưu là Tuân Úc – Tuân Du rất có thể đều không kề cận Tào Tháo khi ông tham chiến tại Xích Bích.

Nguyên nhân thứ tư: Tự phụ, khinh địch, quân Tào nhận “quả đắng” từ Tôn – Lưu

Lưu Bị

Năm Kiến An thứ 13 (208), Tào Tháo thành công chiếm lĩnh Kinh Châu, muốn nhân cơ hội này để chinh phạt toàn bộ Giang Đông. Bấy giờ, Giả Hủ có lên tiếng khuyên can quân chủ, cho rằng trước nên trấn an trăm họ, chờ đợi thời cơ rồi mới tiến đánh. Thế nhưng Tào Tháo cương quyết không nghe.

Chưa dừng lại ở đó, theo “Tam Quốc chí – Trình Dục truyện”, bản thân mưu sĩ Trình Dục cũng từng cảnh báo Tào Mạnh Đức về việc Tôn Quyền rất có khả năng liên thủ với Lưu Bị, từ đó nhắc nhở quân chủ đề cao cảnh giác.

Từ đó có thể thấy, các đại mưu sĩ đã nhiều lần khuyên ngăn, cảnh báo Tào Tháo về thế trận không chắc thắng khi tham chiến Xích Bích.

Chỉ có điều Tào Tháo lúc này đang đắc ý trước chiến thắng quá dễ dàng ở đất Kinh Châu, cho nên bỏ ngoài tai mọi lời can gián từ những quân sư đầu não của mình.

Nói cách khác, Tào Tháo tham chiến ở Xích Bích với một tâm thế vô cùng tự tin, thậm chí có thể nói là tự phụ. Đây mới thực sự là nguyên nhân chủ chốt khiến các mưu sĩ tài năng dưới tay ông không thể nào phát huy tác dụng, thậm chí dù có đưa ra ý kiến cũng bị quân chủ nhắm mắt làm ngơ.

Vì tất cả những nguyên nhân nói trên, dù sở hữu trong tay cả tập đoàn chẳng thiếu nhân tài, lại thêm sự hiệp lực từ tứ đại mưu sĩ, Tào Tháo vẫn thảm bại trong trận Xích Bích, nhận một “quả đắng” đau đớn từ liên minh Tôn Quyền – Lưu Bị.

Xem thêm  3 lần cất công đi mời Gia Cát Lượng, Lưu Bị chỉ ra bài học để đời về cách tuyển nhân tài

Theo Trần Quỳnh- Thời Đại/Soha

Link