Thứ hai, Tháng mười một 18
Shadow

Không từ thủ đoạn để lên ngôi, Võ Tắc Thiên phải trả giang sơn cho nhà Đường vì 3 lý do

Tốn không ít công sức mới có thể ngồi lên đế vị, song trước lúc qua đời Võ Tắc Thiên đã đem giang sơn trả lại cho nhà Lý Đường. Đây chính là 1 nước cờ vô cùng khôn ngoan.

Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Võ Tắc Thiên được xem là vị Nữ Hoàng đế duy nhất được công nhận chính thức. Thế nhưng từ cổ chí kim, cuộc đời và sự nghiệp của bà vẫn luôn là chủ đề tranh cãi của nhiều luồng ý kiến.

Vào thời kỳ phong kiến đặt nặng quan niệm trọng nam khinh nữ, việc một người phụ nữ có thể lên ngôi cửu ngũ chí tôn vốn là điều không tưởng, huống chi thiên hạ mà Võ Tắc Thiên có được lại là thứ mà bà  đoạt được từ tay chồng và con trai của mình.

Để có thể dựng nên đế nghiệp, Võ Tắc Thiên đã từng tốn không ít tâm cơ bày mưu tính kế. Có ý kiến cho rằng, bà đã sẵn sàng vì đại nghiệp mà gạt bỏ tình thân, tình yêu, thậm chí bất chấp nhiều cương thường luân lý thời bấy giờ.

Thế nhưng sự thực là không ít sử gia đã đánh giá Võ Tắc Thiên như một vị vua dốc lòng vì dân vì nước. Trong số ít những người phụ nữ có cơ hội cầm quyền của lịch sử Trung Quốc, thời đại do bà cai trị cũng được xem là giai đoạn thịnh trị nhất và đã trở thành nền móng vững chắc để mở ra thời kỳ “Khai Nguyên thịnh thế” của người cháu Đường Huyền Tông sau này.

Tuy nhiên dù đã mưu tính cả đời để có được ngôi vị, Võ Tắc Thiên trước lúc qua đời lại làm ra một việc khó có thể tưởng tượng. Đó là đem giang sơn vốn đang trong tay họ Võ trả lại cho con cháu nhà Lý Đường.

Về quyết định này của bà, có nhiều người cho rằng Võ Tắc Thiên đã hành động quá mức cảm tính. Thế nhưng ít ai thực sự nhìn ra được, sự lựa chọn tưởng chừng như thiệt thòi nói trên thực chất lại là nước cờ táo bạo nhưng đầy thông minh của vị nữ đế ấy.

Quyết định truyền ngôi bất ngờ của Nữ đế Võ Tắc Thiên trước lúc lâm chung

Tranh chân dung Nữ đế Võ Tắc Thiên và hình tượng được xây dựng trong một tác phẩm truyền hình. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Võ Tắc Thiên (624 – 705), là một phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, sau lại trở thành Hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị.

Ngay từ khi còn là vợ của Cao Tông, Võ Tắc Thiên từng thẳng tay triệt hạ những đối thủ trong hậu cung của mình. Kết cục bi thảm của hai tình địch là Vương Hoàng hậu và Tiêu Thục phi (bị chặt hết tay chân và đem đi ngâm rượu) cũng là minh chứng cho thấy thủ đoạn cao tay của bà đã hình thành ngay từ khi còn trẻ.

Kể từ thời điểm Cao Tông qua đời, bà đã trải qua các đời Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông với tư cách Hoàng Thái hậu. Tới năm 690, Võ Tắc Thiên chính thức lên ngôi Hoàng đế, lập ra triều Võ Chu và trở thành Nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc.

Trong khoảng thời gian 15 năm cai trị với tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế, Võ Tắc Thiên đã có nhiều công lao đáng kể như mở mang lãnh thổ, khuyến khích phát triển Phật giáo, tập trung phát triển kinh tế – xã hội và duy trì tốt sự ổn định trong nước.

Tới cuối đời, bà từng có hai nam sủng là anh em họ Trương chuyên quyền khiến nhiều quần thần bất bình. Năm 705, tể tướng đương triều Trương Giản Chi cùng các đại thần đã phát động binh biến, ép Võ Tắc Thiên thoái vị và đưa Đường Trung Tông lên ngôi lần thứ hai.

Ngày 3 tháng 3 năm 705, giang sơn nhà Đường chính thức được khôi phục, triều Võ Chu chấm dứt chỉ sau khoảng thời gian trị vì 15 năm ngắn ngủi của Nữ đế Võ Tắc Thiên.

Có ý kiến cho rằng, việc Võ Tắc Thiên chấp nhận trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường thực chất là một hệ quả tất yếu khi mà bà đã ở tuổi gần đất xa trời, mà cục diện triều chính lại do Tể tướng cùng các triều thần định đoạt.

Thế nhưng có nhiều học giả lại khẳng định, Võ Tắc Thiên quyết định đi nước cờ thoái lui này trước lúc qua đời thực chất là còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân sâu xa khác.

Nguyên nhân thực sự khiến Võ Tắc Thiên “cắn răng” trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường

Ngay cả khi không dễ dàng mới có được ngai vị, Võ Tắc Thiên vẫn quyết định trả lại giang sơn cho hoàng tộc họ Lý vì nhiều lý do khác nhau. (Ảnh minh họa: Nguồn Baidu).

Theo phân tích của các học giả hiện đại, có 3 nguyên nhân chủ yếu khiến Võ Tắc Thiên chấp nhận trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường.

Nguyên nhân thứ nhất: Lưu lại đường sống cho gia tộc họ Võ

Mặc dù khi còn tại thế, Võ Tắc Thiên từng bước lên ngôi vị cửu ngũ chí tôn và nắm giữ quyền lực chí cao vô thượng, thế nhưng bản thân bà hiểu rõ hơn ai hết mình và con cháu họ Võ đang phải đối mặt với cục diện vô cùng hung hiểm.

Bấy giờ, bá quan văn võ cùng các thế lực trong triều ngoài mặt quy thuận nhà Võ Chu, nhưng tâm ý của họ đa số vẫn một mực hướng về Đại Đường.

Những sự phản kháng ngấm ngầm từ trong thâm tâm ấy chẳng khác nào dung nham được giấu kín trong lòng núi, chỉ chầu chực nhà Võ Chu xảy ra bất kỳ biến cố nào là sẽ đồng loạt phun trào.

Và cuộc chính biến trừ khử hai nam sủng họ Trương để ủng lập Đường Trung Tông lên ngôi cũng là minh chứng cho điều này.

Bản thân Võ Tắc Thiên cũng biết rằng, thứ bà nắm được là quyền lực, là sự quy thuận trên danh nghĩa, còn tâm ý của văn võ bá quan lại là điều khó có thể thay đổi. Thứ mà những đại thần kia thực sư mong muốn là khi Võ Tắc Thiên quy tiên, nhà Võ Chu có thể chấm dứt một giai đoạn trị vì ngắn ngủi và trả lại giang sơn cho Lý thị.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu ngai vàng được truyền lại cho hậu nhân Võ gia thì thứ mà con cháu bà phải đối diện chính là những cuộc nội chiến phân tranh đẫm máu và kết cục tận diệt nếu chẳng may thua cuộc.

Và có lẽ vì muốn lưu lại một con đường lui cho gia tộc họ Võ, vị Nữ đế thông minh ấy đã chấp nhận dùng giang sơn đại nghiệp mà mình gây dựng cả đời để đánh đổi.

Quyết định truyền ngôi bị cho là “dại dột” của Võ Tắc Thiên không xuất phát từ sự nhất thời mà thực chất là một nước cờ đã toan tính cẩn thận. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet).

Nguyên nhân thứ hai: Hy sinh tương lai gia tộc vì đại cục

Sự thực là sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, quyền thống trị đã về tay con cháu họ Lý, còn Đại Đường sau đó vẫn tiếp tục trụ vững tới hơn 2 thế kỷ.

Thế nhưng chỉ đến khi vương triều này diệt vong, người đời mới biết Võ Tắc Thiên năm xưa đã phải trải qua biết bao nhiêu khổ tâm và nhọc nhằn.

Trong trường hợp bà cho con cháu Võ gia thừa kế hoàng quyền, khắp nơi trong thiên hạ chắc chắn sẽ nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa để chống đối. Những cuộc nội chiến liên miên ấy chẳng những khiến giang sơn không thể yên ổn, mà đế nghiệp của nhà Võ Chu cũng chẳng thể vững chắc.

Vì vậy có thể nói, việc Võ Tắc Thiên lựa chọn trả lại ngai vàng cho Lý thị vốn là điều mà bà đã tính toán cẩn thận. Trong nước cờ toan tính này, bà đã hy sinh tương lai của gia tộc để đổi lấy sự yên ổn của đại cục.

Nguyên nhân thứ ba: Bảo vệ cuộc sống bình an cho dân chúng

Xét trên khía cạnh tâm lý, có lẽ Võ Tắc Thiên trước lúc qua đời cũng mang tâm trạng giống như Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ trước khi tuẫn tiết ở bên bờ Ô Giang năm nào.

Và rất có thể ở vào thời điểm sắp buông tay trần thế, họ đều đã nghiệm ra chân lý bất biến về tính chất vô nghĩa của chiến tranh. Nếu cứ tiếp tục cố chấp, thứ mà Võ Tắc Thiên hay Hạng Vũ đem lại cho dân chúng chỉ là những cuộc chiến khốc liệt và cảnh tang thương, tiêu điều.

Đây cũng là lý do mà Hạng Vũ năm xưa thà chết cũng không về Giang Đông, còn Võ Tắc Thiên thì quyết định trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường để đổi lấy bình an cho dân chúng.

Ngày 16 tháng 2 năm 705, Võ Tắc Thiên qua đời ở tuổi 81. Tính từ lúc chính thức tiếm ngôi, bà đã có 15 năm cai trị lãnh thổ Trung Hoa với tư cách là một Nữ Hoàng đế.

Dù từng ở ngôi vị Thiên tử, thế nhưng trước lúc băng hà, ngoài việc trả lại giang sơn cho nhà Lý Đường, Võ Tắc Thiên còn để lại di nguyện được hợp táng với chồng là Đường Trung Tông chứ không cần xây dựng lăng mộ riêng như những vị vua khác.

Bà được an táng ở Càn Lăng, trước mộ còn có một tấm bia để trống hoàn toàn, người đời thường gọi đó là Vô tự bia.

Tấm bia không chữ ấy cũng được xem là biểu trưng cho tâm ý của Võ Tắc Thiên: Thay vì dùng nhiều từ ngữ hoa mỹ để tự để khắc ghi những gì mà mình đã làm được lúc sinh thời, vị Nữ hoàng đế ấy muốn cho hậu thế đời sau toàn quyền phán xét về cuộc đời mình.

Năm tháng thay đổi, thời thế cũng đổi thay, “vô tự bia” vẫn đứng sừng sững trước nơi an nghỉ của vị Nữ đế huyền thoại, và những giai thoại về cuộc đời bà vẫn không ngừng được hậu thế lưu truyền từ đời này sang đời khác…

Xem thêm  4 phụ nữ nắm quyền khét tiếng nhất lịch sử TQ: Ai "trên cơ" cả Lữ hậu lẫn Võ Tắc Thiên?

theo Trí thức trẻ/soha

Link 

 

 

 

 

Comments are closed.