Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Ký ức Khâm Thiên sau 45 năm

Chỉ một đêm, gần 300 thường dân ở phố Khâm Thiên đã bị đạn bom Mỹ giết hại. Vào những ngày của tháng 12 lịch sử này, nhiều người, dù không họ hàng thân thích nhưng vẫn về đây, thành kính thắp nén tâm nhang tưởng niệm vong linh những người đã khuất..

.ký ức, khâm thiên, 45 năm

Phố Khâm Thiên sau trận bom B – 52 tháng 12/1972. Ảnh: tư liệu

300 người chung ngày giỗ

“Phố Khâm Thiên ầm ầm đổ sụp,

tiếng người la khủng khiếp xé đêm dài…”.

Thật khó có thể cầm lòng để đọc trọn vẹn bài thơ “Khâm Thiên” của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ – bài thơ ông viết về tội ác mà Đế quốc Mỹ đã gây ra trên con phố nhỏ năm xưa. “Đêm dài” ấy là đêm 26/12/1972. Thấm thoắt đã tròn 45 năm. Những chứng nhân một thời nay người còn, người mất, nhưng nỗi đau thì vẫn mãi còn đó.

Phố Khâm Thiên bây giờ sầm uất, đông đúc hơn, với hàng chục con ngõ và hàng trăm cái ngách ngoắt ngoéo. Có thể đi tắt bằng lối ngõ Trung Tả rồi theo hồ Văn Chương ra Hàng Bột, hoặc ngược ngõ Văn Chương vòng qua hồ Linh Quang lên ga Trần Quý Cáp, hoặc từ ngõ Chợ Khâm Thiên rẽ sang đường Lê Duẩn ở phía Đông …Những cái tên cũ có thể có hiện diện hoặc không hiện diện trên bảng chỉ đường nhưng nhiều cái tên như Hồ Bãi Cát, ngõ chùa, các ngõ Vĩnh Khánh, Sân Quần, Đại Đồng, Hòa Bình, Khâm Đức, Lệnh Cư, Thổ Quan, Cống Trắng…vẫn không phai mờ trong ký ức người Hà Nội.

Tại Khu tưởng niệm (gắn biển số 49) là pho tượng người thiếu phụ, mắt nhìn thẳng, hai tay nâng xác một trẻ thơ. Bên cạnh đó là tấm Bia căm thù khắc sâu tội ác của Đế quốc Mỹ. Nơi dựng tấm bia, trước 22 đêm 26/12/2972 là căn nhà mang số 51. Nhưng sáng hôm sau, nó chỉ còn là một hố bom, cả 7 người sống trong căn nhà này không ai sống sót. Nhưng đó không phải là những nạn nhân duy nhất. Gần 300 người dân Khâm Thiên khác đã cùng chung ngày giỗ với họ.

Những ngày này, Hà Nội rét cắt da. Tôi dạo bước trên con phố đặc biệt của những ngày tháng 12 lịch sử, chợt bị ám ảnh bởi những tâm sự của ông Trần Văn, cựu học sinh Trường phổ thông cấp III Lý Thường Kiệt, Hà Nội. “Cái đêm kinh khủng nhất là đêm 26 tháng 12, khi Mỹ ném bom phố Khâm Thiên – một trong những con phố sầm uất của Hà Nội thời đó. Máy bay B – 52 ném bom rải thảm một vệt từ đầu đến cuối phố, làm biết bao người chết, nhà cửa nát vụn. Đêm đó, lũ học sinh chúng tôi không ngủ, lên đê sông Hồng nhìn về Hà Nội đỏ rực lửa. Các bạn nữ nước mắt tuôn trào. Tất cả đều lo lắng, sốt ruột vô cùng vì không biết mọi người ở nhà ra sao. Sáng hôm sau, cả bọn tức tốc đạp xe về Hà Nội. Đi qua Khâm Thiên, chúng tôi tận mắt chứng kiến hàng trăm quan tài xếp dọc phố, khói hương nghi ngút. Chẳng ai có thể quên được cảnh đau thương, tang tóc đó”.

Xem thêm  Đám cưới kéo dài 28 ngày của đại gia Hà Nội với người vợ kém 52 tuổi

Ký ức bi thương

ký ức, khâm thiên, 45 năm

Ông Nguyễn Văn Cầu trước đài tưởng niệm những thường dân chết vì bom B – 52 ở Khâm Thiên. Ảnh: Q.T

Sáng nay, dưới chân tượng người phụ nữ bế con ở đài tưởng niệm B – 52 ở Khâm Thiên, một cụ già run run sửa lại đóa hoa cúc, thắp nén hương, rồi đi quanh bức tượng nói thầm điều gì đó. Những gia đình sống gần khu tưởng niệm nói rằng, mấy năm trước, hầu như ngày nào cũng trông thấy cụ đi qua khu tưởng niệm. Nhưng vài năm trở lại đây, cụ đến ít hơn, có lẽ vì không còn khỏe. Cụ có tên Nguyễn Văn Cầu, cũng là một cựu binh, chuẩn bị bước qua tuổi 86. Trong danh sách nạn nhân trận bom B – 52 đêm năm ấy có vợ, con trai, em trai, hai cháu của cụ. Thật may mắn khi gần đến nửa thế kỷ sau trận bom năm ấy, chúng tôi gặp được những nhân chứng sống của năm xưa để nghe kể về những hồi ức không muốn nhớ nhưng thật khó quên “chung ngày giỗ, chung ký ức đau thương…”.

Trong ngôi nhà nhỏ số 19, ngõ Sân Quần, phố Khâm Thiên, cụ Cầu chỉ ra tay ra ngoài cửa, gạt nước mắt, giọng khàn nhỏ nhẹ vị xúc động: “Đây! Cái hầm trú bom năm ấy chỉ cách nhà có mấy bước chân. Không ngờ đó là mồ chôn tập thể của khu phố”.

3 giờ chiều ngày 26/12 năm ấy, cụ Nguyễn Văn Cầu, lúc đó công tác tại xí nghiệp in báo Hà Nội mới, cũng là thành viên dân quân tự vệ, chiến đấu tại địa phần Hoàn Kiếm nhận được lệnh cấp trên báo, 21 giờ tất cả phải tập trung sẵn sàng chiến đấu. Cụ và đồng đội nhận được tin B – 52 của Mỹ sẽ quay trở lại ném bom Hà Nội. Chiều hôm đó, cụ Cầu tranh thủ về nhà dặn vợ: “Hôm nay tôi phải đi trực chiến, ở nhà khi có báo động, vợ cho con, em và các cháu xuống hầm”.

Đêm ấy, Hà Nội rung chuyển. Sau trận bom, cụ Cầu chạy về nhà. “Đến đầu phố, lòng tôi rối bời khi thấy nhà cửa đổ nát. Chạy vội vào ngõ nhà mình, tôi thắt ruột khi mọi thứ tan tành. Căn hầm tập thể bị ném bom. 2 quả bom tấn ném xuống thành hai hố bom sâu hút, xung quanh bị san phẳng một đoạn dài từ Ngõ Chợ đến rạp Dân Chủ bây giờ. Tôi lạnh người nghĩ, không còn gì nữa rồi!”.

Ngay trong đêm đó, ông Cầu phải trở lại đơn vị đợi trời sáng mới trở về. “Sáng, tôi thấy vợ mình còn nửa người nằm cạnh miệng hố bom. Trong số gần 50 chục người, ngoài vợ con còn có em trai tôi, hai đứa cháu tôi. Con trai còn một cái chân, tôi nhận ra vì nó có cái sẹo bỏng ngày xưa. Thi thể người nào còn nguyên thì được cấp một quan tài riêng, những người nào không còn hoặc lẫn vào đất đá thì gom lại cho vào một áo quan. Vợ tôi cũng được cấp một áo quan, nhưng tôi đã nhặt chân chân của con cho vào áo quan của vợ. Hai mẹ con nằm chung. 2 tháng kém 1 ngày sau trận bom ấy, tôi đang dựng lại túp lều để ở tạm thì bà bới rác phát hiện ra thi thể em trai tôi…”, cụ Cầu nghẹn giọng.

Xem thêm  Ký ức những 'Em bé Hà Nội' mùa đông 1972

ký ức, khâm thiên, 45 năm

“Chúng tôi vẫn nhắc con cháu nhớ những ngày bi tráng hào hùng ấy”, ông Cầu nói.

Chỉ riêng hầm trú ẩn ngõ Sân Quần cạnh nhà cụ Cầu đã gần 50 người chết chỉ sau một loạt bom giặc Mỹ .Nhiều gia đình không còn một ai sống sót. Cùng hứng chịu những cảnh tang thương sau loạt bom B – 52 của Mỹ đêm 26/12, gia đình ông Nguyễn Đình An mất 2 người thân. Không riêng gì nhà ông Cầu, ông An, trong cái đêm khủng khiếp ấy, hàng chục khối phố của Khâm Thiên hầu như bị xóa sạch.

Cụ Cầu kể cho tôi nghe câu chuyện đau xót của gia đình bà Lan. Chồng bà Lan, mẹ bà và em gái bà đều chết trong hầm trú bom. Chồng bà không đi sơ tán vì phải ở lại nhận máy móc thiết bị nghiên cứu từ nước ngoài chuyển về. Ông là một nghiên cứu sinh, lẽ ra đến tháng 1/1973 mới hết hạn học tập ở Tiệp Khắc, nhưng ông đã xin làm luận án tiến sĩ sớm để được về nước từ tháng 10/1972.

Tháng 12 năm 1972, tại phố Khâm Thiên, có gia đình ba ngày sau, có nhà một tuần sau, không ít gia đình giống hoàn cảnh của cụ Cầu khi hàng tháng sau mới bới hết được đống đổ nát để tìm ra thi thể của thân.

Những người sống sót trong mùa đông năm ấy vẫn khắc ghi tấm lòng của bà con, dù chẳng máu mủ ruột thịt gì nhưng vẫn tích cực giúp họ dựng lại những mái nhà tạm bên hố bom. Không một người nào thiếu bữa, đói rét, dù khi đó đất nước vô cùng khó khăn. Tết Nguyên đán Quý Sửu 1973, các gia đình bị bom vẫn có bánh chưng, kẹo mứt, thịt cá để thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất.

Đứng trước khu vực Đài tưởng niệm, nơi trước khi Mỹ ném bom là căn nhà số 47, 49 và 51, cụ Cầu nói với tôi mà như nói với hư không: “Những nhân chứng tội ác của Mỹ ngày ấy theo thời gian có người đã ra đi. Nhưng, những người còn sống như tôi vẫn nhắc con cháu không được quên những đau thương, mất mát mà dân tộc ta đã phải gánh chịu…”.

Vâng, sẽ không ai quên đâu cụ Cầu ơi. Nhiều gia đình ở Khâm Thiên đang nhang đèn làm giỗ.

Theo giadinh.net.vn