Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Lời cảnh tỉnh cho các bậc phụ huynh từ bê bối trường điểm: Thành công có cả ngàn con đường, cớ sao cha mẹ cứ đẩy con mình vào lối mòn hủy hoại bản thân?

Ai cũng muốn con học trường điểm để thành công trong tương lai, nhưng lại không biết rằng con cái mình đang bị kìm hãm bởi chính quan niệm sai lầm ấy.

Xem thêm  “Ba không còn yêu mẹ nữa sao?”: Vợ chồng có yêu thương nhau không, con cái là người biết rõ nhất

Khi dư luận Việt Nam vẫn còn chưa hết bàng hoàng với những sai phạm trong vụ án mua điểm thi đại học ở Hòa Bình, thì tại nước Mỹ, một đường dây chạy trường điểm cho con của giới thượng lưu lớn cũng vừa bị phanh phui. 

Tất cả những gì hào nhoáng nhất, công bằng nhất của nền giáo dục hàng đầu thế giới này trong phút chốc đã sụp đổ hoàn toàn.

Hơn 50 người, trong đó 33 bậc phụ huynh là những người giàu có và nổi tiếng như diễn viên Felicity Huffman và Lori Loughlin, đã bị buộc tội trong vụ án mua điểm được coi là lớn nhất trong lịch sử đất nước này. 

6,5 triệu USD là số tiền mà những ông bố bà mẹ giàu có đã bỏ ra để sửa điểm và mua chuộc cán bộ tuyển sinh, nhằm đảm bảo cho con em mình một tương lai hứa hẹn.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho biết: “Có rất nhiều trường hợp con cái không biết rằng bố mẹ mình đã lo liệu hoàn toàn vụ điểm chác.”

Tất cả các ông bố bà mẹ này – những người sẵn sàng bẻ cong cả hệ thống tuyển sinh đại học để đảm bảo con cái mình đỗ – đều bị ám ảnh với niềm tin: trường điểm là con đường dẫn tới thành công. 

Trong email gửi cho một nhân chứng, chồng của nữ diễn viên Loughlin đã viết, ông muốn “đảm bảo con gái mình sẽ có một tương lai thành công bằng cách xin cho con học ở Đại học Bang Arizona thay vì bất cứ ngôi trường nào khác!” 

Suốt bao năm qua, các bậc phụ huynh vẫn đổ biết bao tâm huyết và tiền bạc vào việc chọn trường cho con. 

Bởi lẽ, họ tin rằng trường điểm sẽ làm con hạnh phúc hơn, rèn rũa con cho cuộc đời sau này. Thế nhưng, quan niệm sai lầm này chẳng những không đem lại kết quả tốt đẹp gì, mà còn hủy hoại chính những đứa trẻ vô tội cùng tương lai của chúng.

Rất nhiều sinh viên đã thừa nhận họ bị căng thẳng vì gánh nặng trường điểm – nơi mỗi ngày họ được khuyến khích trở thành người mà cha mẹ mong muốn, thay vì được là chính mình. 

Một em đã viết trên blog của mình ngay trước đêm nhập học vào Harvard những lời lẽ đầy đau đớn.

“Điểm GPA: 4.83. SAT: 1570,1600. SAT II Vật lý: 790, 800. SAT II Viết: 800. SAT II Toán IIC: 800. Số lớp nâng cao đã học: 17. Số điểm tuyệt đối đã nhận: 16. Thời gian tôi ước cha mẹ coi mình là con người, không phải là cái CV: 4 năm.”

Chàng trai này phải thi SAT 2 lần vì mẹ cậu đã vô cùng hốt hoảng khi nhìn thấy số điểm 1570/1600 trong lần thi đầu tiên. 

Số điểm này với người khác là một thành tích vô cùng xuất sắc, nhưng với mẹ của chàng trai này, đó là một sự thất bại ê chề. Bị đè nặng bởi áp lực thành công, cậu đã nghĩ tới việc tự tử.

Theo báo cáo thống kê trong những năm vừa qua, cứ 5 sinh viên đại học lại có 1 người muốn tự tử. 

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần gửi đến các bậc phụ huynh thông điệp rằng mù quáng chạy đua vào trường điểm không chỉ sai trái mà còn hết sức nguy hiểm. 

Năm ngoái, một học sinh 16 tuổi tại California đã tự tử vì áp lực phải vào được trường điểm. 

Trong bức di thư để lại, chàng trai xấu số này viết: “Có quá nhiều áp lực được đặt trên đôi vai của học sinh, đòi hỏi chúng tôi phải làm tốt. Tôi không thể chịu đựng thêm nữa.”

Thay vì tìm một trường đại học phù hợp với con, rất nhiều gia đình lại cố gắng làm ngược lại: “gọt giũa” con để đáp ứng tiêu chí của trường điểm. 

Hành động này ám chỉ các em sẽ chẳng là gì nếu không trúng tuyển vào ngôi trường bố mẹ đã lựa chọn. Và đáng sợ hơn, thông điệp độc hại này sẽ còn ám ảnh các em mãi kể cả khi quá trình tuyển sinh đã kết thúc. 

Để đánh đổi lại điều gì ư? Không phải cứ học trường điểm là con cái sẽ hạnh phúc. Tại Harvard, tỷ lệ sinh viên tự tử cao gấp 2 lần so với tỷ lệ chung của sinh viên toàn quốc.

Vậy mà, có biết bao gia đình vẫn đang chạy theo cơn sốt trường điểm. Cha mẹ coi danh tiếng của trường là sự phản ánh tương xứng cho những nỗ lực mà họ và các con đã bỏ ra trong suốt thời gian học phổ thông. 

Họ cũng uốn danh tiếng của trường bù đắp cho những đêm thiếu ngủ, những hy sinh mà họ đã thực hiện. 

Thế nhưng, tên tuổi đâu có nghĩa lý gì. Người ta vẫn thường đùa về câu chuyện khôi hài này: Trong một khảo sát, những người trả lời đánh giá Đại học Princeton là 1 trong 10 trường dạy luật tốt nhất thế giới. Vấn đề là, Princeton còn chẳng có trường luật nào!

Văn hóa “trọng thành công” đã ăn sâu vào tiềm thức chúng ta. Để đổi lấy danh tiếng và sự thành đạt, nhiều gia đình đã phải trả giá. Mọi người luôn nghĩ rằng phải vào được trường điểm mới là “con đường đi tới thành công”. 

Dù con đường ấy có chật hẹp, giả dối đến mức nào, bố mẹ vẫn luôn tin rằng chỉ cần chi phối được hệ thống giáo dục, con em họ sẽ có một tương lai tươi đẹp. Mục đích giáo dục đã bị che lấp bởi hoạt động marketing. 

Như một vị trưởng phòng tuyển sinh đã từng nói: “Đây không chỉ đơn giản là bán một vị trí trong các ngôi trường danh tiếng, hay một cơ hội việc làm. Đây là hành động bán đi cả tâm hồn con người, hủy hoại ý nghĩa cuộc đời họ.”

Từ những bài kiểm tra được chuẩn hóa cho đến những cuộc thi thể thao quanh năm, học sinh sinh viên đang được dạy rằng số liệu còn quan trọng hơn là sự thoải mái của chúng, rằng CV thì quan trọng hơn là tính cách. 

Và như một hệ quả tất yếu, chúng làm đúng theo những gì được dạy. Gần 90% sinh viên đại học thừa nhận chúng đã từng gian lận tại trường. 15-40% học sinh cấp 3 lạm dụng thuốc kê đơn để hỗ trợ việc học. 

Một học sinh lớp 12 tại bang Illinois cho biết, các em thường nghĩ cuộc đời giống như chiếc thang cuốn, cứ thế không ngừng đi qua các điểm “cấp 3, đại học, cao học, công việc, rồi lại công việc, thăng chức, và cuối cùng là chết.”

Khi một sinh viên năm nhất đại học được hỏi muốn nói gì với mình của thời cấp 3, cậu lặng lẽ nói: “Ước gì lúc đó tôi biết rồi mình sẽ ổn thôi. Thật sự là, dù bạn làm gì, sẽ có cả triệu con đường để thành công. 

‘Thành công’ chẳng qua là một từ sáo rỗng – bạn chẳng biết nó thực sự là gì. Bạn muốn đi con đường nào cũng được, cuộc đời còn dài rộng hơn những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường rất nhiều.”

Cha mẹ sẽ biện minh rằng họ nghiêm khắc cũng chỉ vì tương lai của các con. 

Nhưng dù họ mua chuộc cán bộ tuyển sinh, đóng góp những khoản tiền kếch xù cho trường, hay dạy con theo kiểu “Mẹ Hổ”, những đứa trẻ mới là người phải gánh chịu mọi tổn thương, đau đớn.

Ngọc Hà – Trí thức trẻ

Link