Thứ Ba, Tháng Tư 16
Shadow

Mánh ‘rửa tiền’ của chủ mưu vụ tổ chức đánh bạc chục nghìn tỷ

Sáng nay, các bị cáo nghe VKS công bố nội dung buộc tội, ông Phan Văn Vĩnh cầm theo bản cáo trạng chăm chú đọc.

Ông Vĩnh đọc cáo trạng. Ảnh chụp qua màn hình

Sáng 13/11, TAND tỉnh Phú Thọ tiếp tục ngày làm việc thứ hai của phiên sơ thẩm xét xử ông Phan Văn Vĩnh (cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) cùng 91 bị cáo. Bản cáo trạng 235 trang được VKSND tỉnh Phú Thọ công bố.

Dự kiến, khi đọc xong cáo trạng, HĐXX bước vào phần thẩm vấn với việc hỏi nhóm bị cáo là nhóm đại lý cấp một của đường dây đánh bạc trực tuyến.

Ông Vĩnh ngồi ngoài cùng bên cánh phải ở hàng ghế trên cùng. Ông chùng người, vẻ mặt thoải mái, chăm chú đọc cuốn cáo trạng bìa màu xanh.

Ngồi cùng hàng với ông Vĩnh, Phan Sào Nam (cựu chủ tịch công ty VTC online) hai tay chắp gọn trước chân, mặt không biểu lộ cảm xúc. Nam hôm nay vẫn mặc áo sơ mi sáng màu, khuy cổ cài cao.

Ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50) ngồi ở hàng ghế thứ hai, chăm chú lắng nghe.

Theo bản cáo trạng đang công bố, Ông Vĩnh bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt và Chủ tịch nước tước danh hiệu công an nhân dân vào đầu tháng 4. VKSND tỉnh Phú Thọ đã truy tố ông Vĩnh và Hóa về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo khoản 2 điều 356, Bộ Luật hình sự 2015 với khung hình phạt từ năm đến 10 năm tù.

90 người còn lại trong vụ án bị truy tố về các tội: Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sảnTổ chức đánh bạcĐánh bạcMua bán trái phép hoá đơnRửa tiền. Trong đó, 80 người bị truy tố về tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc.

Ông Vĩnh đi vào khu vực xét xử trong ngày thứ hai hầu tòa. Ảnh: Phạm Dự

Cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC), Phan Sào Nam và các đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng. Việc này có sự trợ giúp của ông Vĩnh và Hoá là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước được giao đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Sau 27 tháng vận hành, đường dây đã liên kết với nhiều công ty cung cấp dịch vụ và xây dựng hệ thống gồm 25 đại lý cấp I và gần 6.000 đại lý cấp II để cung cấp dịch vụ chuyển đổi điểm ảo trong game ra tiền thật và ngược lại.

Các bị cáo trong đường dây đã lôi kéo được gần 43.000 tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến, tổng thu lời bất chính hơn 9.850 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí đầu tư, vận hành, đường dây được hưởng 4.700 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Phạm Dự

Phan Sào Nam được hưởng gần 1.500 tỷ đồng, Nguyễn Văn Dương bỏ túi hơn 1.650 tỷ đồng, nhóm cùng lập ra và điều hành đường dây khác là Phan Anh Tuấn, Hoàng Thành Trung và Lê Văn Kiên (đang trốn truy nã) được chia hơn 1.570 tỷ đồng.

Nguyễn Văn Dương góp vốn để “rửa tiền” thu lợi từ tổ chức đánh bạc

Dương bị cáo buộc là người giữ vai trò cầm đầu trong nhóm đối tượng vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Cáo trạng xác định, trong quá trình vận hành game bài, sau khi có được một số tiền nhỏ do thu lời bất chính từ hành vi tổ chức đánh bạc, Dương chỉ đạo cấp dưới chuyển tiền góp vốn vào công ty cổ phần đầu tư UDIC (do mình làm chủ). Sau đó, Dương lại mượn tên người khác, mở doanh nghiệp, ký hợp đồng khống rút tiền ra, quay vòng nâng khống giá trị vốn góp vào UDIC.

Xem thêm  Vụ máy bay rơi lốp: Tịch thu bằng lái phi công vô thời hạn

Đến khi được ăn chia nguồn tiền do phạm tội tổ chức đánh bạc mà có, Dương lại chỉ đạo các nhân viên cấp dưới đứng danh nghĩa công ty, cá nhân đối tác chuyển trả công ty UDIC do hủy hợp đồng để hợp pháp hóa số tiền do tổ chức đánh bạc mà có.

Theo cơ quan tố tụng, nếu chỉ nhìn trên sổ sách, số tiền Dương góp vào công ty UDIC được hình thành trước khi Dương có nguồn thu từ hoạt động tổ chức đánh bạc.

Bị cáo Nguyễn Văn Dương. Ảnh: Phạm Dự

Đến giữa năm 2017, Dương bán cổ phần ở công ty UDIC được gần 330 tỷ đồng và rút tiền về gửi tiết kiệm, mua tầng 5-6 của một tòa nhà ở quận Đống Đa.

Trong quá trình điều tra, Dương khai được ông Vĩnh và Hóa tạo điều kiện cho việc tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet nên khi có được nguồn thu từ việc vận hành tổ chức đánh bạc đã “lại quả” hậu hĩnh.

Dương khai đã biếu ông Vĩnh một đồng hồ Rolex trị giá 7.000USD, 27 tỷ đồng, 1.750.000 USD, một chiếc áo sơ mi, một lọ thuốc bổ gan. Dương còn chuyển cho C50 700 triệu đồng, một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000USD và cho ông Nguyễn Thanh Hóa 22 tỷ đồng.

Dương khẳng định nhiều lần tổ chức sinh nhật ông Vĩnh và đều mang rượu ngoại đến uống. Có những chai rượu khoảng 100 triệu đồng. Dương còn nhiều lần đi tiếp khách có sự tham gia của ông Vĩnh và chi phí với số tiền trên 10 tỷ đồng. Nhiều lần đi nước ngoài về, Dương đều mua áo tặng…

Cơ quan điều tra xác định việc Dương chuyển 700 triệu đồng cho Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cùng một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000USD là có thật. Còn việc đưa tiền cho ông Vĩnh, Hóa thì chưa rõ  nên cơ quan điều tra tách ra, khi nào làm rõ sẽ xử lý sau.

Với Dương, cơ quan điều tra tạm giữ, kê biên hai sổ tiết kiệm với số tiền 150 tỷ đồng, tạm giữ khi khám xét 95 triệu đồng cùng một số ngoại tệ… Theo đề nghị của Dương, vợ anh ta đã tự nguyện nộp cho cơ quan an ninh điều tra hơn 4 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Dương tự nguyện bán trụ sở công ty CNC nộp 61 tỷ đồng. Nhà chức trách tạm giữ bốn ôtô, phong tỏa hơn 8 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.

Nguyễn Văn Dương bị cáo buộc là người giữ vai trò cầm đầu trong nhóm đối tượng vận hành game bài tổ chức đánh bạc, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Phan Sào Nam tẩu tán tiền khắp nơi

Bị cáo Phan Sào Nam. Ảnh: Phạm Dự

Cáo trạng xác định, Phan Sào Nam với chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty VTC online, có trình độ và am hiểu về công nghệ thông tin, nhưng vì mục đích cá nhân đã tiếp nhận đề nghị của Hoàng Thành Trung (Giám đốc trung tâm phần mềm công ty VTC Intecom) về việc tìm đối tác phát hành phần mềm tổ chức đánh bạc bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club mà Trung sẵn có.

Nam kết nối với Dương khi được giới thiệu CNC của Dương là công ty bình phong của C50. Hai bên hợp tác, thống nhất việc công ty CNC làm nhiệm vụ phát hành game trên mạng.

Xem thêm  Lời khai "thế lực rất lớn đứng sau bảo kê" khiến HĐXX liên tục phải hỏi lại, luật sư bất ngờ

Có tiền thu lời bất chính, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều nấc trung gian đến người thân, bạn bè để gửi tiết kiệm, đầu tư góp vốn các dự án, mua bất động sản để hợp thức.

Độ giàu có của trùm đường dây đánh bạc trực tuyến lớn nhất nước. Đồ họa: Tạ Lư – Bá Đô

Nam chuyển cho người thân 236 tỷ đồng gửi tiết kiệm, mua bất động sản. Nam còn nhờ gửi tiết kiệm tiền ở nhiều nơi khác nhau ở các tỉnh, thành dưới dạng sổ tiết kiệm, vàng, tiền mặt, ngoại tệ…

Trong đó, Nam nhờ Nguyễn Thị Hồng Nhung (39 tuổi, ở TP HCM) gửi tiết kiệm gần 400 tỷ đồng, gửi bạn là Nguyễn Mạnh Hùng (ở Quảng Ninh) cất giữ 147 tỷ đồng cùng số đôla, vàng trị giá hơn 140 tỷ đồng, nhờ Phí Quang Hưng gửi tiết kiệm hơn 100 tỷ đồng và đứng tên mua 11 căn hộ tại một khu đô thị ở TP HCM, gửi tại ngân hàng nước ngoài 3,5 triệu USD.

Ngoài ra, Nam khai chuyển cho nhóm Trung cất giữ vàng trị giá 530 tỷ đồng. Do các bị can này đang trốn nã nên chưa làm rõ được.

Tại cơ quan điều tra, Nam khai đã đưa cho một số cán bộ an ninh hàng trăm triệu. Tuy nhiên, các cán bộ này phủ nhận và cơ quan điều tra không đủ cơ sở xác minh.

Cơ quan điều tra đang tạm giữ hơn 800 tỷ đồng, phong tỏa 77 tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, kê biên hai nhà, trị giá theo hợp đồng 12,4 tỷ đồng; phong tỏa 13 hợp đồng mua căn hộ, trị giá 139 tỷ đồng, tạm giữ năm ôtô.

Phiên làm việc buổi sáng kết thúc lúc 11h. Chiều nay, VKS tiếp tục công bố cáo trạng. Chủ tọa nhắc nhở các bị cáo tại ngoại đến tòa với trang phục nghiêm túc bởi sáng nay bà thấy có người mặc không đúng mực.

Ngày 12/11, chủ tọa thông báo khi kết thúc sẽ đăng bản án trên cổng thông tin điện tử của TAND tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, một bị cáo là cựu tổng cục trưởng cảnh sát Phan Văn Vĩnh đã đề nghị không đăng bản án liên quan tới mình. HĐXX sau đó cho hay: Vì có một bị cáo từ chối nên việc đăng tải này sẽ không thực hiện và không cần hỏi thêm bị cáo, người liên quan khác.

Trao đổi với VnExpress, nhiều luật sư đánh giá quyết định của chủ tọa là chưa thuyết phục. Sáng 13/11, Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Ngô Tố Dụng cho biết đã tiếp nhận thông tin tranh luận về vấn đề trên, song chưa muốn bình luận gì bởi phiên tòa đang diễn ra. “Việc xét xử đòi hỏi tuân thủ, tôn trọng các quyết định của HĐXX. Chúng ta nên tôn trọng quyền của HĐXX”, ông Dụng nói.

Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Thùy Hương, cho biết việc từ chối đăng bản án là quyền của bị cáo, đã được pháp luật quy định. Viện dẫn Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, bà nói chỉ cần một trong các bị cáo có đề nghị thì tòa sẽ không đăng và không hỏi những người còn lại để đỡ mất nhiều thời gian.

Về đề nghị của ông Vĩnh, bà Hương nhấn mạnh đây là “lý do cá nhân và là quyền của bị cáo”. Theo bà, phải là bản án đã có hiệu lực thì tòa mới được đăng công khai lên mạng. Bây giờ vụ án đang xét xử, còn chưa có bản án và cũng chưa biết có bị cáo nào kháng cáo hay không.

Theo VNE

Link gốc