Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Mẹ chồng ngày nào cũng sang nhà, con dâu lặng lẽ thay khóa cửa và hồi kết đáng ngẫm!

mẹ chồng

Một hôm, như thường lệ, tôi xách làn rau tươi từ chợ sáng về, hào hứng đến nhà con trai. Nhưng cửa không mở được, không phải tôi cầm nhầm chìa khóa mà là con dâu đã thay khóa cửa.

Chúng ta không thể khiến con nhỏ cảm thấy tuổi thơ nghèo nàn, cũng đừng khiến con cái trưởng thành cảm thấy ngột ngạt.

Sự hy sinh của tôi đổi lại là…

Tôi là một người mẹ. Năm nay tôi 57 tuổi, đã nghỉ hưu 2 năm. Con trai tôi 31 tuổi. Năm tôi về hưu cũng là lúc nó lấy vợ. Từ trước đến giờ, tôi đều hết mực cưng chiều con trai. Nó lấy vợ, tự nhiên tôi cũng đảm đương trách nhiệm chăm sóc nó và con dâu. 

Theo tôi, đó là lẽ thường tình. Tôi vốn nghĩ con trai lấy vợ sẽ sống cùng vợ chồng tôi nhưng chồng tôi khuyên can, nói bọn trẻ cần không gian riêng nên tôi mới từ bỏ ý nghĩ đó. Tuy nhiên để tiện chăm sóc vợ chồng con trai, chúng tôi chuyển đến sống ở khu chúng ở. 

Hàng sáng tôi đến nhà con trai nấu bữa sáng, dọn dẹp, đến tối nấu xong bữa tối, đợi chúng về tắm gội chuẩn bị đi ngủ thì tôi mới về nhà mình.

Một hôm, như thường lệ, tôi xách làn rau tươi từ chợ sáng về vui mừng đến nhà con trai. Nhưng không mở được cửa, không phải tôi cầm nhầm chìa khóa mà là con dâu đã thay khóa cửa. Nó nói: “Gần đây trong khu nhiều trộm cắp nên…” 

Hôm đó, tôi nấu bữa sáng cho vợ chồng con trai và cháu mình, quét dọn nhà cửa, giặt quần áo bẩn, tuy nhiên, chúng không hề đưa chìa khóa mới cho tôi. Có lẽ chúng quên.

mẹ chồng

Ảnh minh họa.

Tối đó, con trai đến nhà tôi, dúi chìa khóa vào tay tôi. Tôi vốn không nghĩ ngợi gì nhưng nó nói: “Mẹ đừng để vợ con biết nhé.” Tôi biết sự việc không đơn giản. Hôm sau, tôi vẫn đến nhà con trai tôi như bình thường. Nhưng vừa đến cửa thì nghe thấy tiếng to tiếng bên trong.

Tôi chỉ nghe thấy tiếng con dâu: “Chắc chắn anh đã đưa chìa khóa mới cho mẹ.” “Ai chẳng có lúc tắm xong để đồ lót trong giỏ quần áo bẩn. Sáng hôm sau nhất định mẹ anh sẽ lôi ra giặt. 

Nhìn quần cộc, đồ lót phơi trên dây mà em chẳng thấy vui vì được giúp đỡ chút nào, em chỉ thấy ngại thôi. 

Anh được mẹ anh nuông chiều quá rồi. Ngày nào về nhà, anh cũng nằm ườn trên ghế sô pha, chẳng làm gì cả, không dọn dẹp, không đổ rác, chỉ còn thiếu nước đút cơm vào miệng anh thôi. Anh giống như một đứa trẻ chưa cai sữa vậy.

Mẹ không thể như những bà về hưu khác đi khiêu vũ, đi dạo phố sao? Đừng như cái camera cứ chằm chằm theo dõi chúng ta…”

Không ngờ sự hy sinh của bà mẹ chồng này lại đổi về những lời oán thán. Điều làm tôi chua xót nhất là từ đầu đến cuối, con trai tôi chỉ nói một câu: “Mẹ là mẹ của anh, em bảo anh phải làm thế nào?”

Dù trong công việc hay ở gia đình, tôi tự nhận mình có thể một tay lo liệu trọn vẹn trong ngoài. Nhưng cuối cùng, trong mắt con dâu, tôi lại là người không hiểu chuyện.

Xem thêm  Nắm trong tay khoản tiết kiệm 250.000 USD ở tuổi 28, chàng trai chỉ ra "lối mòn" tư duy khiến số đông "nghèo vẫn hoàn nghèo"

Việc rời xa khiến tôi hiểu ra

mẹ chồng

Ảnh minh họa.

Về đến nhà, tôi khóc sụt sùi giãi bày nỗi ấm ức với chồng: “Nó là thằng con trai duy nhất của tôi. Mong muốn lớn nhất của tôi là chăm sóc tốt cho chúng, chỉ thiếu nước móc tim ra cho chúng mà chúng lại oán trách tôi.” 

Chồng tôi vừa khẽ vỗ lưng tôi, vừa nói: “Đúng là chẳng ra sao. Có cơ hội, tôi sẽ nói lý với chúng.”

Sau đó ông ấy nói: “Bà xem đồng nghiệp của bà đi. Gần thì du lịch khắp đất nước, xa thì ra nước ngoài. Trước đây bà cũng là người theo trào lưu nhưng vì chúng mà bị các ông bà già khác bỏ xa. Nghĩ lại, tôi thấy ấm ức cho bà…” 

Chồng tôi nói một tràng. Mỗi câu đều là lời tự đáy lòng của tôi. Lẽ nào tôi không muốn ra ngoài thăm thú sao?

Nói đi là đi. Tôi chẳng nói trước mà kéo chồng đến thảo nguyên Bá Thượng. Trong nhà của người dân du mục, chúng tôi tận mắt xem quá trình dê mẹ sinh con, cho dê con bú. Đã từng có lúc, chẳng phải tôi và con trai mình cũng thân thiết như thế sao?

“Dân du mục trên thảo nguyên di cư suốt bốn mùa một năm. Nếu dê mẹ cũng giống như bà, chuyện gì cũng không nỡ buông tay thì làm sao dê con sống nổi? Hơn nữa, ai đồng ý lấy một con dê vẫn chưa cai sữa mẹ về mặt tinh thần chứ?” 

Chồng tôi vừa nhìn đàn dê vừa than thở. Rõ ràng chuyến đi lần này, tôi đi cho đỡ bực còn ông ấy đã chuẩn bị trước.

“Tình yêu thật sự của người mẹ là sự rút lui đúng lúc.” Nói đoạn, ông ấy lấy điện thoại ra, cho tôi đọc một bài báo. 

Nó gần như ngắm trúng đích: “Cha mẹ không muốn rời xa con cái trưởng thành, họ nói là họ yêu con mình nhưng thực ra là họ muốn kiểm soát con mình về mọi mặt. Điều này đem đến cho họ cảm giác mạnh mẽ, khiến họ cảm thấy hài lòng về bản thân…”

“Tôi là người mẹ như thế sao?” – tôi tức giận nhìn chồng. “Thuộc thể loại có thể cứu vãn được.” – ông ấy nhìn tôi mỉm cười.

7 ngày đi chơi trên thảo nguyên, vợ chồng tôi chụp rất nhiều ảnh làm kỷ niệm. Ông ấy dạy tôi gửi tin nhắn WeChat, dạy tôi đăng ảnh, làm đẹp ảnh. Hai vợ chồng cùng sống dưới một mái nhà mà chúng tôi đã khác biệt lớn đến vậy. 

Từ Bá Thượng về, việc đầu tiên tôi làm là đến cửa hàng điện thoại di động mua một chiếc Iphone 6, bán phăng cục gạch di động kia đi.

Chia tay sau cái ôm

Từ cửa hàng điện thoại di động ra, tôi gọi điện cho con trai báo tối nay tôi sẽ đến nhà nó chơi. Con trai tôi rất ngạc nhiên: “Mẹ, không phải mẹ có chìa khóa sao? Mẹ cứ đến là được mà.” 

Tôi cười không nói gì. Ăn tối xong, vợ chồng tôi đến nhà con trai. Đến nơi, tôi gõ cửa, là con dâu ra mở cửa. 

Tôi báo cho chúng biết về chuyến đi 7 ngày qua, sau đó nửa đùa nửa thừa nhận với chúng: “Mẹ chuẩn bị trở lại cuộc sống tuổi già. Đây là trang bị đầu tiên cho hạnh phúc tuổi già. Lẽ nào các con không định ủng hộ mẹ sao?”

Xem thêm  Này các bà mẹ chồng, đừng đánh mất cả con trai mình chỉ vì xét nét nàng dâu

mẹ chồng

Ảnh minh họa.

Tôi lắc lắc chiếc Iphone 6 trong tay, mỉm cười nhìn chúng. Con dâu lên tiếng trước: “Mẹ, mẹ có Alipay chưa? Giờ con chuyển cho mẹ 3000 tệ nhé.” Nhờ sự giúp đỡ của chúng, trong nháy mắt, tôi trở thành người có Iphone 6 và tài khoản thanh toán Alipay.

Đó là một buổi tối rất vui. Trước khi về, tôi lấy chiếc chìa khóa trong túi ra lén dúi vào tay con trai. Đối với tôi, nó tượng trưng cho chủ quyền, quyền lên tiếng, quyền gia trưởng. Tôi nói với con trai: “Có thể mẹ sẽ không thường xuyên đến nữa. Dù có đến, mẹ cũng sẽ gọi điện trước.” 

Con trai nhìn tôi khó xử: “Mẹ, mẹ làm gì thế?” “Không phải mẹ giận, chỉ là mẹ đang học cách rút lui.

Con trai ôm tôi một cái, khóe mắt tôi bỗng ướt nhòe. Tôi và nó thật sự chia tay từ cái ôm này. Dù không nỡ, tôi đã chia tay khá muộn nhưng vẫn còn kịp.

“Mẹ, mẹ đang ở đâu?” – khi đang ở Lệ Giang, tôi nhận được tin nhắn Wechat của con trai. Tôi nhanh chóng chụp bức ảnh chung với chồng mình rồi gửi đi, đồng thời chú thích: Thế giới rộng lớn thế, mẹ và bố con muốn đi thăm thú đã. 

Không lâu sau, con dâu tôi đăng bức ảnh đó lên WeChat và chú thích: Tấm gương khi tôi về già, bố mẹ chồng yêu quý của tôi.

Có người hỏi: Muốn có con cái là vì điều gì? Nối dõi tông đường hay phụng dưỡng tuổi già? Cuối cùng đã có một câu trả lời khiến mọi người cảm động: Là để hy sinh và tận hưởng.

Cha mẹ đừng giữ con cái làm thứ duy nhất của mình. Vì con cái mà bản thân không giao tiếp xã hội, không có sở thích cá nhân, không quan tâm mình có vui không thì có phải là hạnh phúc không? 

Cách giáo dục này đem đến cho con mình điều gì? Ngoài áp lực và sự giày vò lẫn nhau ra thì chẳng còn gì khác.

Tấm ương tốt nhất cho con cái là vợ chồng bạn yêu thương nhau, hạnh phúc bên nhau, có sự nghiệp riêng, có chỗ đứng xã hội. Như vậy, trong mắt con cái, vợ chồng bạn mới là người khỏe mạnh, lạc quan, tích cực.

Làm cha mẹ là một cuộc hành trình của trái tim và trí tuệ. Không chỉ là làm cha mẹ mà trong cuộc đời còn rất nhiều lúc phải biết tiến lui.

Không mong cầu con cái hoàn hảo, chỉ mong con cái khỏe mạnh. Hãy đi một lượt khắp thế giới tươi đẹp này để chúng ta có cơ hội cùng con đồng hành một đoạn đường. Nhớ luôn nhắc nhở bản thân: Hãy thay đổi cách yêu thương con. Chỉ cần con khỏe mạnh, vui vẻ là đủ.

Hãy cho con bạn quyền lựa chọn lý tính, tư duy chủ động, cuộc sống độc lập. Hãy để con của bạn có được cuộc sống hạnh phúc, thành công, sự khoan dung và độ lượng.

Hồng Ánh – Trí thức trẻ

Link gốc