Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Năm 2018 đưa ra xét xử 21 vụ án tham nhũng, kinh tế

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng trong năm 2018 là chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp.

xét xử 21 vụ án, tham nhũng, kinh tế

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – Ảnh: TTXVN

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng – trưởng ban chỉ đạo – đã phát biểu tại phiên họp thứ 13 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức tại Hà Nội hôm nay 22-1.

Tổng bí thư ghi nhận một trong những việc làm được của Ban chỉ đạo trong năm 2017 là đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, với những mức án nghiêm khắc và nhân văn.

“Ban Nội chính trung ương, Đảng ủy Công an trung ương, Ban cán sự Đảng Viện Kiểm sát NDTC, Ban cán sự Đảng Tòa án NDTC đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trung ương và địa phương huy động lực lượng, quyết tâm vượt bậc, phối hợp chặt chẽ, tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là các khó khăn, vướng mắc về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, giám định, định giá tài sản, truy bắt đối tượng bỏ trốn… để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp” – Tổng bí thư nói.

Xem thêm  Làm rõ mục đích tặng nhà cho Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh

Một số khâu yếu lâu nay (như điều tra, giám định, thu hồi tài sản, án treo nhiều…) đã có tiến bộ, Tổng bí thư ghi nhận.

Các vụ án điển hình được nhắc đến như vụ Giang Kim Đạt; vụ Hà Văn Thắm giai đoạn I; vụ Châu Thị Thu Nga; vụ Phạm Công Danh giai đoạn II; vụ Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm…

“Các phiên tòa xét xử ngày càng đổi mới theo hướng công khai, dân chủ, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật. Rất nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn”, Tổng bí thư nhận xét.

xét xử 21 vụ án, tham nhũng, kinh tế

Ông Phan Đình Trạc – trưởng Ban Nội chính trung ương, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng – Ảnh: TTXVN

Tuy vậy, Tổng bí thư cũng nhắc nhở sự phối hợp giữa một số cơ quan có lúc, có việc chưa tốt, trong đó có việc để tội phạm trốn.

Tổng bí thư cũng cho rằng việc kết luận thanh tra một số dự án còn chậm; việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như kê khai tài sản còn hình thức, hiệu quả thấp, đặc biệt là tình trạng “dưới lạnh” vẫn còn nhiều, khâu tự kiểm tra còn yếu.

Tổng bí thư lưu ý một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ban chỉ đạo trong năm 2018 là tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ án; xử lý 21 vụ việc, kiến nghị thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Bên cạnh đó là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc – tình trạng “tham nhũng vặt”, kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng.

Xem thêm  Ngọc Miu từ hot girl trở thành bà trùm đường dây ma túy khủng

Cũng như khẩn trương kết luận thanh tra, xử lý nghiêm sai phạm đối với các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, được dư luận xã hội quan tâm.

Năm 2017, chúng ta đã làm được nhiều việc, nhưng năm 2018 và những năm tiếp theo còn nhiều việc phải làm, và còn phải làm lâu dài với quyết tâm cao hơn nữa, bền bỉ, kiên trì và hiệu quả hơn nữa. Cũng cần cảnh giác với những âm mưu của các thế lực thù địch, phần tử xấu muốn lợi dụng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng để chia rẽ nội bộ ta, bôi nhọ, phá hoại Đảng, Nhà nước, chế độ ta.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Năm 2017 đã thi hành kỷ luật đối với hơn 300 tổ chức Đảng, hơn 18.600 đảng viên vi phạm, trong đó có hơn 700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.

Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật 3 tổ chức Đảng và 11 cán bộ; Ủy ban Kiểm tra trung ương đã tập trung kiểm tra và thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với 18 cán bộ; trong đó nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và một số cấp ủy, tổ chức Đảng.