Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Người ơi đừng cầm Facebook em!

Các cầu thủ của chúng ta có thể nhanh nhẹn, tinh ranh trên sân vận động, nhưng chắc chắn là quá ngây thơ trên một sân chơi khác còn khốc liệt hơn nhiều – showbiz. Các em cần, cần lắm những người quản lí có tầm, và quan trọng hơn là phải có tâm.

Đó là dòng trạng thái mà fanpage Vietnam Football phải thốt lên sau khi những bình luận khó hiểu của cầu thủ Hà Đức Chinh được lan truyền trên mạng xã hội; sau màn trình diễn không tốt trong trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 vừa qua. Sự việc này cũng dấy lên một làn sóng ngờ vực rằng: một lần nữa, các cầu thủ của chúng ta đang bị “ai đó” can thiệp quá sâu vào đời tư cũng như sự nghiệp.

Dòng trạng thái của fan page Vietnam Football gây xôn xao dư luận.

“Quản lý” hay “thao túng”?

Đầu tiên, hãy nhận định các cầu thủ của chúng ta bây giờ chính là những ngôi sao, vì rõ ràng tên tuổi và sức ảnh hưởng của các em là rất lớn.

Và khi sự nổi tiếng đột nhiên ập xuống và những cậu trai có thế giới xoay quanh trái bóng tròn không đủ sức hay kinh nghiệm để xoay sở một cách khéo léo, các em cần có người thay các em giúp các em xây dựng bộ mặt trên mạng xã hội, cũng như tính toán thật kỹ những lời mời chào quảng cáo béo bở từ các nhãn hàng, hay tương tác, trả lời với người hâm mộ mà không ảnh hưởng đến việc tập luyện.

Đúng, công việc này có thể giao phó cho người thân của các em, nhưng không phải ai cũng có người thân am hiểu mạng xã hội và đủ khéo léo để đối nhân xử thế. Chưa kể, gia đình các em chỉ có thể cổ vũ, sát cánh bên cạnh các cầu thủ mỗi khi thi đấu chứ không thể can thiệp quá sâu vào các vấn đề chuyên môn của các em, các hợp đồng thương mại lợi nhuận lại càng không, chuyện đối phó với những giông bão showbiz thì thực sự quá xa lạ.

Bạn nghĩ vẻ ngoài đẹp trai, sành điệu như vậy là nhờ tự các cầu thủ danh tiếng trên thế giới có gout thẩm mỹ tốt ư? Không, đằng sau mỗi lần xuất hiện trong ánh đèn flash chói lòa là cả mội đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp hỗ trợ anh ta từ đế lót giày cho đến keo vuốt tóc.

Bạn nghĩ những ngôi sao như Neymar, Gareth Bale tự đứng ra lo liệu các thương vụ chuyển nhượng có giá trị bằng GDP của cả một quốc gia ư? Không, đó là Jorge Mendes, “tú ông” nổi tiếng mà mọi cầu thủ dù mới chỉ le lói chút tên tuổi thôi đã khao khát nhận cú điện thoại đổi đời “Mời em vào team anh” từ nhân vật này.

Thế là từ đó sinh ra cái nghề “quản lý cầu thủ”, nắm trong tay tất cả những phương tiện xung quanh cầu thủ ấy, từ lịch trình thi đấu cho đến tài khoản cá nhân mạng xã hội. Các quản lý này sẽ xây dựng hình ảnh cho các em, thay họ trả lời người hâm mộ, tính toán kỹ càng lợi ích từ các hợp đồng thương mại và quân sư, hoặc, thay mặt cầu thủ đối đầu với các drama từ trên trời rơi xuống. Tóm lại, quản lý của những ngôi sao như thế nào, quản lý cầu thủ làm những công việc y hệt, chỉ khác là họ mang chuyên môn về bóng đá nhiều hơn.

Các cầu thủ của chúng ta có thể nhanh nhẹn, tinh ranh trên sân vận động, nhưng chắc chắn là quá ngây thơ trên một sân chơi khác còn khốc liệt hơn nhiều – showbiz. Các em cần, cần lắm những người quản lí có tầm, và quan trọng hơn là phải có tâm.

Nếu bạn định nói: “Cầu thủ chỉ nên đá bóng và kiếm ăn từ sân cỏ”, thì làm ơn hãy cất đi cái tinh thần yêu thể thao cao thượng và trong sáng đó vào một góc tủ tinh tươm, bởi nó đã lỗi thời lắm rồi. Chúng ta yêu mến các cầu thủ thì càng không thể chỉ trích các em vì những khoản lợi nhuận ngoài sân. Bởi món quà đó đâu phải từ trên trời rơi xuống? Nó được đánh đổi bằng mồ hôi, xương máu, bằng những mái đầu xanh phủ đầy tuyết trắng trong buổi chiều Thường Châu định mệnh ấy, nơi các em suýt chút nữa đã làm nên kì tích không tưởng.

Nếu có chỉ trích, hãy chỉ trích một cách đúng đắn và tỉnh táo. Rất nhiều khả năng, đằng sau các phát ngôn có phần ngớ ngẩn trên mạng xã hội của các em là bàn tay thô kệch của các quản lý chưa đủ tâm và không đủ tầm. Đằng sau sự xuất hiện ồ ạt trên mọi show, mọi TVC quảng cáo là sự lựa chọn chưa đủ khôn ngoan của những người “nắm tận chuôi” tham lam.

Những ai quan tâm đến bóng đá, không thể không biết đến vụ kiện tụng ầm ĩ của Lionel Messi, trong đó bố ruột đồng thời là quản lí của siêu sao người Argentina, bị cáo buộc đứng đằng sau mọi rắc rối liên quan đến tài chính của cầu thủ này. Hay không ít lần các ngôi sao nổi tiếng thế giới phải chịu chỉ trích nặng nề từ những tai họa do quản lí gây ra. Và người đứng mũi chịu sào là ai? Đương nhiên là các cầu thủ.

Tuy nhiên, việc quản lý thay mặt sao sử dụng luôn cả mạng xã hội của họ để đối đáp gay gắt với người hâm mộ thì quả thật hiếm có khó gặp.

Phó thác quyền sử dụng tài khoản cá nhân cho quản lí đích thực là con dao hai lưỡi đối với tên tuổi của người nổi tiếng nói chung, không riêng gì các cầu thủ. Lợi có, mà hại lại càng nhiều. Các cầu thủ có thể tiết kiệm thời gian cá nhân mà không mất đi sự tương tác với người hâm mộ, nhưng không thể kiểm soát hoàn toàn phát ngôn mà mình đang được thay mặt đưa ra.

Xem thêm  Tháng 1 hoa ban đã nở trắng trời, Đà Lạt đẹp tựa như một "bản tình ca trắng"

Hiện tại, các cầu thủ của bóng đá Việt Nam có lượng follow Facebook gần như là cao nhất Việt Nam, vượt qua cả Sơn Tùng và Đông Nhi. Lượt tăng follow trên Facebook cũng tăng rất nhanh, mỗi ngày từ chục ngàn – 3 chục ngàn followers. Chính vì vậy, đây đang là thời điểm mà nhãn hàng nào cũng mong muốn được hợp tác với các cầu thủ.

Tuy nhiên, không bàn đến giá mà bàn đến hiệu quả, thì chắc chắn rất hiệu quả vì các cầu thủ đều nhận được sự quan tâm lớn từ rất nhiều các đối tượng khác nhau trên thị trường. Thế nhưng không phải nhãn hàng nào cũng có thể book các cầu thủ, vì lịch thi đấu dày đặc, ngoài ra còn lịch tập huấn với đội tuyển. Trong tất cả các thời điểm này các cầu thủ không được dùng điện thoại, thế nên để up bài hay chia sẻ thông tin đều bị hạn chế.

Ngoài ra, các cầu thủ cũng không muốn hình ảnh của mình mang tính thương mại quá nhiều, thế nên chọn quảng cáo rất chọn lọc và khéo léo để lồng ghép chứ không phải là nhãn hàng nào có tiền là book được. Mục đích booking thường có hai mục đích: Branding và đẩy doanh số. Ở thời điểm hiện tại, khi làm việc với các cầu thủ thì chủ yếu với mục đích nâng tầm thương hiệu và tạo độ phủ cho nhãn. Còn doanh số bán hàng thì các nhãn làm với các cầu thủ lại không đặt mạnh. Độ hiệu quả thì họ nhìn vào chỉ số tương tác trên Facebook nếu là post lẻ, còn theo chiến dịch hoặc theo 1 hợp đồng dài hạn từ 6 tháng – 1 năm, các nhãn đều đánh giá rát cao khi sử dụng hình ảnh của các cầu thủ.

Các ngôi sao, trong giai đoạn đầu mới bước chân vào mạng xã hội, đều chịu sự kiểm soát gắt gao của quản lí PR cho đến khi họ thật sự trưởng thành, đủ chín chắn để không vạ miệng hay dính “phốt”.

Nên nhớ, mạng xã hội nguy hiểm vô cùng, một chiếc tim thả không đúng chỗ cũng có thể giật đổ cả một sự nghiệp dày công vun đắp. Nếu các em cảm thấy mình chưa đủ chín chắn, không có thời gian, muốn nhờ ai đó “cầm Facebook hộ em” để cập nhật ảnh, giao lưu với fan hâm mộ, đăng bài quảng cáo cho đối tác, thì chẳng có vấn đề gì to tát cả. Thế nhưng, nếu chẳng may “giao trứng cho ác”, tên tuổi của các em, những cố gắng của các em sẽ bị phủ định sạch trơn chỉ vì đôi ba lần vạ miệng bởi những phát ngôn thậm chí còn không phải của các em, mà của một người các em đã tin tưởng, nhưng cũng chẳng “trưởng thành” hay “khôn ngoan” hơn các em là bao.

Những nghi vấn của fan hâm mộ về việc có một “thế lực hắc ám” đang thao túng mạng xã hội của các cầu thủ đội tuyển quốc gia Việt Nam cũng không hẳn là vô lí. Vì khi so sánh với những biểu hiện của các em khi xuất hiện trước công chúng và các phát ngôn trên mạng xã hội, dường như có sự không thống nhất một cách rõ rệt.

Những người quản lí có thể biện hộ trước dư luận và cả trước lương tâm của mình rằng họ đang giúp các cầu thủ, đang hỗ trợ các em xây dựng và quản lí hình ảnh cũng như quan hệ để các em tập trung hơn vào chuyên môn của mình; rằng “em bơi giỏi thì để chị leo cây hộ”. Điều này hợp lý.

Tuy nhiên hãy nhìn vào những đối đáp gay gắt của Hà Đức Chinh trên mạng xã hội với người hâm mộ, những tin nhắn “thả thính” mất điểm nghiêm trọng của Bùi Tiến Dũng với hoa hậu Mỹ Linh; nếu đây thật sự là những lời lẽ do chính tay các em viết ra, người hâm mộ sẽ thất vọng một. Nhưng nếu đó là “thế lực hắc ám” đã chà đạp lên quyền riêng tư của người khác để nhân danh quản lí phát biểu những lời lẽ như vậy, người hâm mộ còn thất vọng 10, 100, 1000.

Chỉ trong vài lần đôi co, phát ngôn ngớ ngẩn nữa thôi, mồ hôi, máu và nước mắt trộn lẫn trên nền tuyết Thường Châu sẽ trôi tuột khỏi trái tim người hâm hộ. Kỷ niệm cùng nhau đi bão hét vang cái tên U23 Việt Nam sẽ trở thành sự tiếc nuối khi lòng tin đặt sai chỗ. Các cầu thủ của chúng ta không đáng bị đối xử như vậy.

Một cái bánh ngon, nghìn người cầm dĩa

Nước lên thì thuyền lên, đó là quy luật. Giữa dòng tình yêu dành cho đội tuyển đang ồ ạt dâng cao đó, vài doanh nghiệp “tranh thủ” thả đèn hoa đăng, đánh bóng tên tuổi cũng là điều hiển nhiên. Việc nhiều thương hiệu treo thưởng tiền tỉ cho các cầu thủ nếu ghi bàn trong trận chung kết là một hành động khích lệ thiết thực cho các em thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo, và nhân tiện ghi bàn trong lòng người hâm mộ bóng đá luôn.

Tuy nhiên, có bao giờ chúng ta dành một khoảng lặng trong những tiếng còi xe ầm ĩ ngoài kia để mà nghĩ rằng: số tiền mà nhiều người phấn đấu dành dụm cả đời, rơi ụp xuống đầu các em chỉ sau một cú sút. Không chỉ là tiền thưởng, giá trị hơn cả tiền thưởng đó là sự nổi tiếng. Các em có thể chưa được biết đến con số mà các nhãn hàng sẵn sàng trao tặng, nhưng có một điều ai cũng hiểu: cầu thủ ghi bàn luôn được ghi nhớ hơn chân sút kiến tạo. Có một sự bất công nhẹ trong cách mà người ta vinh danh, giống như đội ngũ đằng sau cánh gà không bao giờ được tôn vinh bằng các nghệ sĩ “đứng ngoài tiền tuyến”.

Xem thêm  Bùi Tiến Dũng U23 Việt Nam đốt nóng sàn diễn thời trang quốc tế

Điều này, liệu có phần nào đó, làm phai đi tinh thần thi đấu vì màu cờ sắc áo của các em? Liệu sau này, khi bóng đến chân mình và phải lựa chọn giữa sút hay chuyền, các em có chắc rằng mình sẽ không phân vân giữa hai luồng suy nghĩ: chuyền bóng cho bạn thì có khả năng là đội ta sẽ thắng, nhưng chắc chắn là mình mất một cái gì đó?

Không hề quá khi nói rằng giá trị của môn thể thao vua sẽ nghịch biến với độ dốc rất lớn cùng những lợi ích mà chính nó mang lại. Không phải tự nhiên mà Sir Alex Ferguson trở nên ghét bỏ Victoria vì đã lôi Beckham vào thế giới showbiz phức tạp để rồi “đá xuống chân” thấy rõ. Rất có thể đằng sau pha bóng ngớ ngẩn của cầu thủ dẫn đến thất bại cay đắng của cả đội là một giấc ngủ bị cắt xén để đi chụp ảnh quảng cáo, đi sự kiện, hay những ồn ào tình ái khiến cầu thủ không thể tập trung vào trái bóng tròn.

Bóng đá Việt Nam hay các cầu thủ nổi tiếng từ thành tích của U23 thật sự đang dần trở thành một cái bánh gato ngon béo ngậy, và không chỉ có những cổ động viên, những người hâm mộ mang tình yêu bóng đá cùng niềm tự hào dân tộc đổ xô đi mua vé, đâu đó còn xuất hiện thêm những toan tính rõ ràng muốn có một miếng ngon từ chiếc bánh đang vô cùng hot ấy.

Chợ đen, phe vé được gọi tên đầu tiên. “Rỉa tiền” trên niềm tự hào dân tộc một cách trắng trợn, rõ ràng. Để có một chỗ trên sân xem tuyển nhà thi đấu, người hâm mộ không đủ sự tranh thủ sẽ phải bỏ thêm cả trăm cho tới cả triệu làm khi mua vé từ đội ngũ thường trực quanh sân mà vẫn phải cười tươi ăn ảnh vì cái lý do rất nghịch lý: “Thôi có vé đi xem là may rồi”.

Nhưng đó vẫn chưa phải là hết. Trai tài phải đi kèm gái sắc. Không ít các chân dài, từ các cô gái xinh xẻo “ở đâu không biết” cho đến những người đẹp mang danh hiệu cũng chả biết ở đâu ra cứ thế lũ lượt kéo đến nũng nịu thả thính và khoác lên mình tình yêu bóng đá cùng sự hâm mộ cuồng nhiệt với các cầu thủ. Chẳng biết là tình yêu đó có thật sự gốc rễ hay không, chỉ thấy rõ rệt nhất là sự hâm mộ ấy được phơi ra một cách lộ liễu, đánh trống khua chiêng còn hơn cả ăn mừng thủ khoa Đại học. Hay cách mà các cô gái xinh tươi đi xem bóng đá với style make up “sương sương” luôn rưng rưng nước mắt khi máy quay lia đến thật sự đã quá tràn lan để có thể được coi là “yêu nước” thật lòng.

Rồi tới các shop quần áo lũ lượt livestream bóng đá để câu like, câu tương tác. Các startup tự phát ào ạt in áo, in cờ, nhập kèn trống phục vụ dân tình đi bão. Và sau những trận bão là những trống đó, kèn đó nằm ủ rũ trong xe rác, một hình ảnh đại diện cho thứ tình cảm vừa nhẹ, vừa nông, vừa “phong trào thời vụ”; ngày càng mất đi giá trị thiêng liêng thật sự của nó.

Chúng ta có thể đi bão, chúng ta có thể hùa theo phong trào, chúng ta có thể trót để lại những ấn tượng xấu xí, nhưng hãy giữ cho bóng đá mãi đẹp và vô tư như cú đá phạt cầu vồng của Quang Hải trong làn mưa tuyết Thường Châu. Đừng vội trách bóng đá mất chất, hãy nhìn lại những gì chúng ta đang làm khiến cho hình ảnh bóng đá dần trở nên méo mó thô kệch.

Bất kì nhân vật, sự vật, hiện tượng gì thu hút được sự chú ý của công chúng, đều kéo theo những lợi ích kinh tế nhất định. Việc thế lực nọ, nhân vật kia tiếp cận các cầu thủ bóng đá để giúp các em tối đa hóa lợi nhuận thu được từ sự nổi tiếng của mình không phải là điều gì đó cần lên án gay gắt. Chúng ta ai cũng có cuộc sống cần trang trải cả.

Tuy nhiên, để làm được một quản lý thật sự cần cái tầm và quan trọng hơn là cái tâm. Cái tâm để dẫn dắt các em vượt qua những bồng bột tuổi trẻ để trở thành một người nổi tiếng chuyên môn giỏi, đạo đức tốt; động viên các em đừng chùn bước khi chỉ giành huy chương bạc, cũng như đừng thỏa hiệp trên con đường hướng tới danh hiệu “nhân cách vàng”. Con người có thể không hoàn hảo, nhưng hãy tử tế hết sức có thể, ít nhất là hãy tôn trọng chính bản thân mình vì mục đích đầu tiên khi đặt vấn đề làm quản lý ấy xuất phát từ sự yêu mến dành cho các cầu thủ.

Đã lâu lắm rồi tình yêu bóng đá mới rực cháy đến thế trong lòng người Việt Nam, cũng đã từ lâu lắm rồi, người ta mới nhắc nhiều đến tên cầu thủ với đầy sự tích cực đến thế. Nên nếu được, xin tất cả những người Việt Nam, hãy đến với bóng đá mang theo sự vô tư nhiều hơn. Vì vụ lợi chỉ dẫn đến những điều xấu xí.

Theo Helino- Kênh14

Link