Thứ Sáu, Tháng Ba 29
Shadow

Nguy hại khi tiêm thuốc làm chậm dậy thì cho trẻ

Hiện nay, có nhiều trẻ dậy thì từ 9-10 tuổi, thậm chí còn sớm hơn khiến các bậc phụ huynh lo lắng. Do sợ con dậy thì sớm sẽ không thể cao thêm hoặc dễ quan hệ tình dục sớm, nhiều phụ huynh đã đưa con đi tiêm thuốc hormone kìm hãm. Tuy nhiên, các bác sĩ chuyên khoa cảnh báo, việc này lợi bất cập hại, dễ dẫn đến nguy cơ khôn lường ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. nguy hại, tiêm thuốc, chậm dậy thì, trẻ

Cha mẹ cần lưu tâm cách chăm sóc con để tránh nguy cơ dậy thì sớm. Ảnh minh họa

Gia tăng trẻ dậy thì sớm

Thấy con lớn bổng hơn so với các bạn cùng tuổi, anh Nam (ở Kiến An, Hải Phòng) thấy hãnh diện khi được mọi người khen con cao to, đẹp trai. Tuy nhiên, khi thấy con trai 9 tuổi giọng bắt đầu ồm ồm, lông tay, lông chân và vùng kín mọc nhiều, bộ phận sinh dục lớn nhanh, vợ chồng anh giật mình cho con đi khám. Vợ chồng anh hốt hoảng khi được bác sĩ cho biết, trường hợp con anh là do bệnh tăng sản thượng thận, vì phát hiện khá muộn nên điều trị phức tạp, nguy cơ sau này có thể bị vô sinh.

Chị Nga (ở Đống Đa, Hà Nội) hoang mang khi cô bạn thân đến chơi để ý con gái 6 tuổi của mình và nói: “Cho đi khám đi, con gái hình như dậy thì sớm rồi”. Chị Nga đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ cho hay, con chị bị dậy thì sớm, cần có hướng điều trị ngay. “Tôi thấy cháu lớn nhanh, thấy nách thâm, vùng kín thâm và ngực nhú thì nghĩ là do con béo. Giờ biết con bị bệnh phải dùng thuốc, thấy thương con quá”, chị Nga nói.

Có thể thấy câu “nữ thập tam, nam thập lục” để chỉ lứa tuổi con gái dậy thì ở tuổi 13, con trai tuổi 16 không còn đúng với hiện nay nữa. Những năm gần đây, trẻ dậy thì sớm đang có dấu hiệu gia tăng. Ví dụ như Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM, theo thống kê năm 2010 chỉ tiếp nhận khoảng 5-6 ca trẻ dậy thì sớm thì nay đã lên đến 200 ca. Hay như ở Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, mỗi năm tiếp nhận số bệnh nhi mắc dậy thì sớm tăng 30.

Theo các bác sĩ, hiện nay trẻ gái bắt đầu dậy thì ở tuổi 10, trẻ trai ở tuổi 11. Tuy nhiên trên thực tế, có bé gái chỉ 2 – 3 tuổi đã dậy thì, thậm chí có bé gái 18 tháng tuổi đã có hiện tượng xuất huyết khiến người mẹ lo lắng nghĩ con bị xâm hại, cho con đi khám nhưng không tìm ra nguyên nhân. Đến khi thấy con xuất huyết hàng tháng như chu kỳ kinh nguyệt của người lớn mới phát hiện ra con dậy thì sớm. Một bé trai khác mới 3 tuổi nói giọng ồm như người đàn ông lớn tuổi, gia đình đưa đi khám phát hiện con bị u não. Sau thời gian điều trị, bé đã lấy lại giọng nói trong trẻo của mình.

Xem thêm  Cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1: Tất cả cùng khổ!

Theo TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó Trưởng khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương), nếu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì trước độ tuổi 8 ở nữ và 9 ở nam sẽ được coi là dậy thì sớm. Ngược lại, nếu nữ sau 13 tuổi, nam sau 14 tuổi mà chưa dậy thì thì sẽ được coi là muộn. Theo đó, dấu hiệu dậy thì ở nữ thường xuất hiện các biểu hiện như vùng tuyến vú phát triển, bắt đầu có lông mu, thay đổi tâm lý… còn nam thường là vỡ tiếng, dương vật phát triển, xuất hiện ria mép, trứng cá, lông mu…

Trước thực trạng gia tăng số trẻ dậy thì sớm, các bậc cha mẹ rất lo lắng khi bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới tâm sinh lý trẻ, mà còn làm hạn chế phát triển chiều cao, sức khỏe sau này của con mình. Do đó, nhiều người thấy con có các dấu hiệu dậy thì sớm đã vội vàng tìm kiếm, mách nhau việc mua thuốc tiêm để kìm hãm con dậy thì sớm và gây ra những hậu quả khó lường.

Không tự ý tiêm thuốc ức chế cho trẻ

Các bác sĩ chuyên khoa chỉ rõ, dậy thì sớm được chia ra làm hai loại là dậy thì giả và dậy thì thật. Trẻ dậy thì giả sẽ có những biểu hiện bên ngoài như đang dậy thì thật, đối với bé gái thì ngực phát triển to, có lông vùng kín nhưng tử cung lại không phát triển, không rụng trứng và không có kinh; đối với bé trai thì mọc lông bộ phận sinh dục, tinh hoàn phát triển nhưng không sản xuất được tinh trùng.

Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng dậy thì giả ở trẻ như mắc bệnh u não, viêm não, gây nên những tác động từ não xuống các vùng tiết ra hormone, kích thích sự phát triển của các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn. Các bệnh ở thận, thượng thận cũng tiết ra hormone có thể sinh ra biểu hiện dậy thì ở trẻ. Ngoài nguyên nhân tổn thương thần kinh trung ương gây dậy thì sớm, BS Bùi Phương Thảo cho biết, còn có các yếu tố khác như: Môi trường, dinh dưỡng, lối sống… sẽ khiến trẻ dậy thì sớm hơn. Theo đó, trẻ thừa cân béo phì hay những trẻ tiếp cận với thông tin, Internet, mạng xã hội từ khi còn nhỏ cũng là nguyên nhân thúc đẩy dậy thì sớm.

Vì lo ngại trước nguy cơ con bị dậy thì sớm, một số cha mẹ đã truyền nhau việc tiêm thuốc làm chậm quá trình dậy thì cho con. Có trường hợp, dù các bác sĩ nội tiết đã hướng dẫn và tư vấn không cần thiết phải tiêm hormone ức chế dậy thì, nhưng gia đình vẫn tự ý ra ngoài tiêm thuốc ức chế dậy thì với hy vọng sau này chiều cao của con sẽ tăng lên. Việc dùng hormone ức chế dậy thì không đúng chỉ định sẽ làm cho trẻ không có được quá trình dậy thì bình thường, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Theo BS Bùi Phương Thảo, những trẻ có dậy thì sớm (nữ dưới 6 tuổi và nam trước 9 tuổi) thì nên tiêm hormone để ức chế dậy thì. Còn những trường hợp nữ dậy thì sớm từ 6 -8 tuổi, hoặc trên 8 tuổi thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ giải thích cho gia đình và bệnh nhân.

Xem thêm  25 trò chơi tại nhà không tốn một xu mà vui “nổ trời” cho trẻ

BS Nguyễn Thị Hoàn (Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec) khuyến cáo, nếu các bậc phụ huynh vì thấy con mình phổng phao hơn bạn bè cùng trang lứa và tự ý đi mua hormone về tiêm cho con là vô cùng nguy hiểm. Việc tiêm thuốc cho trẻ bình thường là đi ngược lại nhịp sinh học đang phát triển của các em, gây rất nhiều điều bất lợi. Sau khi dùng thuốc, có thể các bộ phận như buồng trứng, tinh hoàn của trẻ sẽ teo nhỏ, ngừng phát triển hoặc gây vô kinh, vô sinh… Bé gái ở độ tuổi 9-11, tử cung chưa lớn để phải ức chế, chỉ với những trẻ dậy thì sớm mới cần có chỉ định điều trị.

Thuốc nội tiết dành cho trẻ luôn là “con dao hai lưỡi”, do đó phụ huynh cần có sự thăm khám, tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, không nên vì quá lo lắng mà vội vàng cho con dùng thuốc ức chế nội tiết. Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ phải bình tĩnh và đưa con đến bệnh viện chuyên khoa khám để xem có đúng là con mình dậy thì sớm hay không. Cha mẹ cũng nên đồng hành với con, chia sẻ với con như một người bạn, cũng như tăng cường giáo dục giới tính cho con, đồng thời cần lưu tâm cách chăm sóc con về dinh dưỡng và vận động phù hợp để tránh nguy cơ dậy thì sớm.

Theo các chuyên gia y tế, để biết trẻ có mắc dậy thì sớm hay không, phải tiến hành nhiều xét nghiệm. Sau khi chụp X-quang tuổi xương, cần xét nghiệm sàng lọc xem tuổi xương có gì bất thường hay không? Nếu có, trẻ sẽ được làm tiếp xét nghiệm máu xem mức độ hormone sinh dục ra sao, siêu âm bụng xem có khối u bất thường trong ổ bụng hay không? Một số trường hợp bé phải được chụp não xem có khối u ở não hay không?… Nếu là dậy thì do những bệnh lý như u não, tăng sản thượng thận bẩm sinh thì có thể điều trị ngoại khoa, hoặc điều trị đặc hiệu để giải quyết các nguyên nhân.

Theo Giadinh.net.vn