Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Nhà nghiên cứu: Phá phủ Thành Chương là “có lỗi với văn hóa chứ không phải đáng tiếc”

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến, với những gì Việt phủ Thành Chương đang lưu giữ mà phá đi sẽ có lỗi với văn hóa chứ không phải là sự đáng tiếc.


Cổng vào phủ Thành Chương.

Chuyên gia văn hóa nói đây là công trình độc đáo của Hà Nội

Liên quan đến các sai phạm của Việt phủ Thành Chương, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương cho biết, đây là công trình giới thiệu văn hóa Việt cổ, “hiếm nơi nào có như thế”; đã thành điểm đến của nhiều người, nhất là khách nước ngoài.

Bí thư Sóc Sơn cho rằng “nếu phá công trình Việt phủ Thành Chương rất phí và mình là người vô cảm, thế nhưng phải thực thi trên cơ sở pháp luật”. Nếu công trình có sai phạm cần tìm cơ chế xem xét để Việt phủ Thành Chương là “điểm du lịch tâm linh một cách đàng hoàng”.

Xung quanh ý kiến này, trao đổi với PV, nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, ông không bàn đến vấn đề pháp lý, sai phạm của khu đất, nhưng với những công trình, hiện vật bên trong Việt phủ Thành Chương đang có thì ông ủng hộ ý kiến của Bí thư Sóc Sơn.

Theo ông Tiến, những người giàu thường đầu tư vào các dự án bất động sản để bán lấy lợi nhuận, rất hiếm người dám bỏ ra lượng tiền lớn đầu tư vào văn hóa như họa sỹ Thành Chương.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Tiến.

“Cá nhân tôi đã từng đến Việt phủ Thành Chương nhiều lần và thấy đây là một công trình rất độc đáo của Hà Nội nói riêng và cả miền Bắc nói chung.

Thực tế, đối với các làng quê ở miền Bắc giờ đây cây đa, lũy tre, bến nước… đều mất dần đi và các đồ dùng, sinh hoạt như chum, vại, dụng cụ của nông dân Bắc Bộ xưa cũng không còn.

Tuy nhiên, ở Việt phủ Thành Chương, chủ nhân đã đưa về, lưu giữ trong các khung cảnh rất hợp lý, tạo cho người thăm thấy rất thích thú, đáng yêu.

Việc làm của anh Chương rất quý, ý nghĩa và thực sự phải gọi đây là bảo tàng lưu giữ nét tinh hoa văn hóa Bắc Bộ. Với những gì Việt phủ Thành Chương đang lưu giữ mà phá đi đúng là có lỗi với văn hóa chứ không phải đáng tiếc”, ông Tiến chia sẻ.

Xem thêm  Sau khi nói phá phủ Thành Chương rất phí, Bí thư Sóc Sơn "nhận gạch đá đủ xây nhà 20 tầng"

Ông Tiến nói thêm, bản thân ông tiếp xúc và thấy họa sĩ Thành Chương, chủ nhân của Việt phủ là người rất yêu văn hóa, muốn tìm mọi cách để bảo tồn, giữ gìn, phát huy các nét văn hóa Bắc Bộ xưa.

“Việt phủ Thành Chương là một công trình mang ý nghĩa về văn hóa. Trong đó, chứa đựng các giá trị vật thể, kèm theo các câu chuyện mang giá trị văn hóa cao và khách du lịch trong, ngoài nước tới đây rất thích thú vì thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích về lịch sử, văn hóa Bắc Bộ.

Do đó, tôi mong các cơ quan chức năng sau khi có kết luận thanh tra sẽ ngồi lại với chủ nhân để tìm ra cách nào đó giữ lại được công trình này là tốt nhất chứ không nên phá.

Bởi giữ không chỉ cho bây giờ mà còn giúp cho thế hệ sau hiểu hơn về các giá trị văn hóa”, ông Tiến bày tỏ.

Còn theo Thạc sĩ Sử học Phan Thị Tuyền, từ trải nghiệm thực tế của bà tại đây cho thấy, Việt phủ Thành Chương có những công trình mang dáng dấp cổ kính, kiến trúc đặc trưng của các vùng miền như Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.

“Nhiều ngôi nhà cổ kính được “bê nguyên xi” từ những làng quê về Việt phủ, trong lúc đời sống nông thôn ngày càng phát triển, những ngôi nhà cao tầng, bê tông được mọc lên và dấu tích của những căn nhà gỗ lợp ngói âm dương.. đã dần biến mất.

Ngoài ra còn hàng vạn cổ vật quý hiếm cũng như nhưng vật dụng quen thuộc đối với đời sống nông thôn được trưng bày tại đây. Do đó, nếu phá công trình này rất lãng phí”, bà Tuyền nêu.

Một công trình trong phủ Thành Chương.

GS Đặng Hùng Võ: Nếu quý giá thật, có thể điều đình để mua lại

Cùng trao đổi với PV, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường cho rằng, các sai phạm của công trình Việt phủ Thành Chương đã được Thanh tra Chính phủ kết luận từ năm 2006 và sau này, cơ quan chức năng của TP Hà Nội tiếp tục chỉ rõ.

Xem thêm  Phải sống như Đại Bàng: Luôn tránh xa những con chim sẻ và quạ, cũng như bạn phải tránh xa những người cản trở sự nghiệp của mình. Nên nhớ, Đại Bàng chỉ bay với những con Đại Bàng khác

Về hướng xử lý đối với công trình này, GS Võ cho hay, tất cả cần chờ kết luận cuối cùng của Thanh tra TP Hà Nội, tuy nhiên, nếu Nhà nước thấy Việt phủ Thành Chương là công trình có ý nghĩa, quý giá về văn hóa… có thể xem xét xử lý bằng cách khác chứ không nhất thiết phải tháo dỡ.

“Ở đây cần có một cơ quan hay hội đồng xem xét, đánh giá và nếu xác định quý giá thật, phá dỡ sợ lãng phí… thì Nhà nước có thể điều đình với chủ nhân công trình mua lại với giá hợp lý để quản lý.

Còn dứt khoát không thể để tài sản của Nhà nước tức đất đai lại chui vào túi tư nhân được”, GS Võ nhấn mạnh.

Còn KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, từ khi công trình Việt phủ Thành Chương được xây dựng đã có các văn bản đề xuất xử lý, nhưng do giám sát không chặt dẫn đến sai phạm lớn.

“Ở đây, sai phạm thì phải xử lý và việc phá dỡ không chỉ với phủ Thành Chương mà các công trình khác đều phí cả.

Còn để nói đây có phải là văn hóa, tiêu biểu ngôi nhà, tinh hoa Bắc Bộ thì chưa có tổng kết nào cả. Do đó, cần một cơ quan, Hội đồng chuyên môn thẩm định rõ ràng, sau đó, đưa ra hướng xử lý cụ thể”, ông Nghiêm nêu.

Trao đổi bên hành lang kỳ họp HĐND TP Hà Nội về Việt phủ Thành Chương – một trong những công trình vi phạm trật tự xây dựng tại huyện Sóc Sơn, Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động cho hay, nơi đây đã thu hút du khách trong và ngoài nước trong nhiều năm qua đến tham quan.

Ông cho hay, đối với công trình Việt phủ Thành Chương cũng có sản phẩm mang tính truyền thống dân tộc và có thể bảo tồn được. Tuy nhiên, Việt phủ Thành Chương có giá trị ra sao, ở cấp độ nào cần phải có hội đồng đánh giá mới chính xác “Nếu nhìn cảm tính thì không nói được gì, vì vấn đề văn hóa rất khó”, ông Động nêu.

Theo Trí thức trẻ

Link