Site icon Thông tin mọi mặt về Gia đình

Nữ thạc sĩ chia sẻ lý do vợ chồng mình ‘tiền ai nấy tiêu’

‘Áp dụng cách này 2 năm, tôi và chồng tránh được nhiều mâu thuẫn mà vẫn san sẻ được trách nhiệm”, chị Vân (Hà Nội) chia sẻ.

Dưới đây là bài viết của Nguyễn Hồng Vân, thạc sĩ xã hội học 28 tuổi, mẹ bầu đang sống cùng chồng tại Hà Nội, chia sẻ về quan điểm của chị liên quan tới việc quản lý tài chính trong gia đình. 

Gần đây tôi hay nói chuyện với các cô vợ tuổi cuối 20, đầu 30, hoặc mới cưới, hoặc sắp cưới. Một đề tài quen thuộc hay được nhắc đến là cách quản lý chi tiêu trong gia đình. Vấn đề này thiết thân và quan trọng nhưng phần lớn những người đến tuổi kết hôn không được chuẩn bị.

Có một số cách tiếp cận chính. Kiểu truyền thống là chồng đưa vợ tiền, hoặc nếu hai người có nguồn thu chung thì người vợ nắm tất cả và thỉnh thoảng đưa cho chồng để trang trải những chi phí cá nhân như xăng xe, điện thoại, ăn sáng, đi chơi. Vợ cầm cục tiền lo chi tiêu cho cả nhà, lo luôn cả khoản tiết kiệm, còn chồng không nghĩ gì đến gia đình thu chi thế nào. Đây là kiểu thường gặp ở các cặp vợ chồng tuổi trung niên. Mẹ tôi luôn tâm niệm và truyền dạy cho con cái là “đàn bà có tiền phải găm vào túi”.

Kiểu thứ hai giống như một cô bạn tôi. Tiền lương của vợ dùng để chi tiêu hằng ngày, thỉnh thoảng chồng có một cục thì đưa để cho vào tiết kiệm. Kiểu này sự kiểm soát của vợ ít hơn, nhưng sự tham gia của người chồng vào tài chính gia đình cũng không nhiều lên. Chồng hứng lên có thể lấy vài chục triệu mua một món đồ, trong khi vợ sắp sinh con, cần chi nhiều khoản. Cũng có khi, để nâng cao tinh thần tiết kiệm của chồng, cô bạn tôi làm bảng ghi chép chi tiết những khoản thu chi trong vài tháng, mong chồng hiểu ra rằng việc duy trì cuộc sống hằng ngày đắt đỏ thế nào.

Kiểu thứ ba phổ biến hơn cả trong những cặp vợ chồng trẻ có hai thu nhập và số tiền kiếm được gần như bằng nhau, là hai người có một quỹ chung, có thể là một cọc tiền để ở nhà hoặc một tài khoản ngân hàng. Hai người lấy tiền ở đó để tiêu, và số tiền bỏ vào có thể tùy ý hoặc theo thỏa thuận từ trước. Nhưng phần lớn các khoản mang tính trách nhiệm để vận hành một hộ gia đình thì vẫn sẽ đến tay người vợ.

nữ thạc sĩ, chia sẻ, lý do, vợ, chồng, tiền ai nấy tiêu

Ảnh minh họa: Entrepreneur.

Trước khi kết hôn, tôi suy nghĩ và nói chuyện với người yêu rất nhiều về chuyện này. Chúng tôi có chung nhiều quan điểm về tầm quan trọng của tiền bạc, thế nào là cuộc sống thoải mái, ngôi nhà mơ ước ra sao. Kiểu của tôi khác với cả ba kiểu trên. Tôi và chồng xác định những khoản tiêu chung trong gia đình (tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, tiền internet, tiền đi ăn ngoài), sau đó mỗi người nhận trả một số khoản. Còn ai kiếm được bao nhiêu và tiêu bao nhiêu, người kia sẽ không xen vào.

Chúng tôi không có tài khoản tiết kiệm chung. Việc phân chia cho các khoản cố định hằng tháng cũng không phải 50-50 mà dựa vào tương quan thu nhập của hai người. Nếu người chồng kiếm được gấp đôi người vợ thì khoản đóng góp cũng cao gấp đôi, và ngược lại. Những khoản chi tiêu cho gia đình hai bên, thì chúng tôi thỏa thuận gia đình ai người đó sẽ bỏ ra. Những khoản lớn cần mua chung và sử dụng chung, hay những chuyến du lịch, hai người chia đôi, hoặc người này trả tiền máy bay thì người kia trả tiền nhà, người này trả tiền ăn thì người kia mua vé xem phim, đại loại vậy.

Tôi và chồng đã áp dụng mô hình này suôn sẻ trong hơn hai năm và thấy cách tiếp cận này có rất nhiều lợi ích:

1. Tránh được nhiều căng thẳng và mâu thuẫn không cần thiết từ vấn đề tiền bạc

Những người phụ nữ một tay cai quản chi tiêu trong gia đình tôi biết, thường hay than thở rằng chồng tiêu xài hoang phí, không biết nghĩ xa xôi cho gia đình. Trong khi đó, người chồng lại ấm ức, sao vợ mình tiêu tiền nhanh hết vậy, vừa mới đưa tháng lương mà đã lại đòi thêm. Nhiều khi chồng phải “xin” vợ tiền để mua sắm hoặc đi chơi với bạn, còn vợ thì rình rập xem chồng có quỹ đen quỹ đỏ không. Những ức chế này rất dễ gây đến hiểu nhầm, thậm chí cãi vã.

2. San sẻ trách nhiệm giữa hai người

Câu cửa miệng của nhiều phụ nữ là “đàn ông không biết nghĩ xa đâu”, và hệ quả suy ra là, hễ chồng có tiền là vợ phải thu ngay đút vào túi. Có những người khác, lại tự hào khoe rằng, chồng tôi không hề quan tâm đến việc tôi chi tiêu ra sao, tôi cứ nói cần bao nhiêu là đưa bấy nhiêu. Cả hai điều này tôi đều không đồng ý, vì đối với tôi, việc quản lý tiền bạc là một trách nhiệm, cũng như nấu ăn vậy, có người thích làm có người không, nhưng đều cần thiết trong sự vận hành bình thường của một gia đình. Vì thế, tôi cũng không coi việc người chồng hoàn toàn phó thác chi tiêu cho vợ là một sự ưu ái.

Chồng tôi chịu trách nhiệm chi trả tiền đi chợ và nắm rất rõ số tiền mua thức ăn của hai người trong một tháng trung bình là bao nhiêu. Thậm chí, chỉ cần nhìn qua giỏ mua đồ là có thể đoán được gần chính xác số tiền sẽ phải trả. Những người chồng mỗi tháng phải chi trả tiền điện nước, tiền nhà, hoặc tiền học cho con…, chắc chắn sẽ không bao giờ nhiếc móc vợ “sao không biết vun vén, khéo ăn thì no, khéo co thì ấm như người ta?”.

3. Tăng đối thoại và hợp tác

Một người bạn nhận xét rằng, cách của tôi không phù hợp với những người đàn ông tiêu xài hoang phí. Ví dụ người chồng chỉ làm tròn trách nhiệm với những khoản đã thỏa thuận mỗi tháng, rồi sau đó mỗi ngày đi mời bạn bè nhậu nhẹt, không để dành chút nào, thì làm sao có tiền cho những khoản lớn như mua nhà?

Tôi coi hôn nhân là một sự hợp tác giữa hai người trưởng thành với trách nhiệm và quyền lợi tương đương, tờ đăng kí kết hôn là một bản hợp đồng được hai bên ký với nhau, có sự làm chứng của nhà nước. Vì là sự hợp tác, mọi mục tiêu chung đều nên được hai bên đồng thuận và cùng nhau cố gắng. Khi người vợ cho rằng chồng mình không có khả năng tiết kiệm, không có đủ sự tự chủ để từ chối lời mời của bạn bè, không có đủ suy nghĩ để tính toán mỗi tháng mình cần để dành bao nhiêu thì sau mấy năm sẽ mua được nhà, thì người vợ ấy hoặc đã chọn sai người để lấy, hoặc đã thất bại trong việc đối thoại với chồng, hoặc đã tự hạ thấp chồng mình, coi người đàn ông đấy không đủ phẩm chất và năng lực của một người trưởng thành.

Tôi biết quá nhiều người phụ nữ o bế con trai và làm thay chồng tất cả mọi việc, rồi lại than mệt, than bất công, than khổ. Nhưng từ trong suy nghĩ “đàn ông không thể giữ tiền”, họ đã coi nhẹ và tước đi quyền làm người trưởng thành có ý thức của chồng mình. Tại sao cùng là người, cùng có cái đầu biết nghĩ mà vợ thì biết chắt chiu, còn chồng thì không? Thường thì câu trả lời rất đơn giản, vì chồng biết vợ đã chắt chiu hộ mình rồi.

Với câu hỏi của bạn, tôi nói, nếu hai người đã thỏa thuận cùng đạt mục tiêu mua nhà thì họ nên cùng phấn đấu. Nếu quả thật người chồng vô trách nhiệm đến mức không thể để dành được một chút nào thì người vợ phải xem lại cuộc hôn nhân. Không ai thay đổi được người khác và cứ suốt đời lo lắng thay, chắt bóp thay, thì đó là mối quan hệ mẹ – con, đâu phải quan hệ ngang bằng của vợ chồng.

4. Tôn trọng tự do cá nhân

Một cô bạn khác của tôi đã bâng quơ nhận xét chồng là “thanh niên nên vẫn còn thích lúc nào cũng phải có tiền trong túi”. Tôi phì cười, thấy bạn mình thật vô lý. Thanh niên hay người già, ai chẳng tự tin hơn khi có tiền trong túi. Bản thân tôi sẽ không hề vui khi đồng tiền mình kiếm ra lại bị người khác tước đoạt.

Khi tôi mới đi làm, mẹ tôi luôn giục giã tôi đưa tiền lương để giữ hộ. Tất nhiên tôi từ chối thẳng thừng và cảm thấy mình không được tin tưởng. Tôi đã đủ lớn để biết lo cho tương lai và cuộc sống của mình, tại sao mẹ vẫn cho rằng tôi sẽ chi tiêu tùy hứng, không có ý thức dành dụm? Khi bị cự tuyệt, mẹ tôi rất phiền lòng, cũng vì đã quen với việc kiểm soát mọi nguồn tiền trong nhà, cứ luôn miệng ca cẩm rằng tôi không đưa vì sợ mẹ tiêu mất. Việc một đứa con không chịu đưa tiền lương cho mẹ, cũng không cho mẹ biết mình kiếm được bao nhiêu, đối với mẹ tôi, vừa là một sự đề phòng, vừa là không ngoan. Còn đối với tôi, chỉ đơn giản là tôi không muốn bị kiểm soát và cần được tôn trọng.

Vì thế tôi không hiểu nổi những người vợ muốn kiểm soát tiền của chồng mình. Cũng có nhiều người nói rằng chúng tôi quá rạch ròi và như thế sẽ “không tình cảm”. Tôi không đánh đồng chuyện tiêu tiền chung với tình cảm mặn mà. Tôi và chồng tôi coi nhau là “bạn đời”, nghĩa là hai người bạn cùng nhau xây dựng một cuộc đời chung, nên chúng tôi không phải xin phép hay giấu diếm nhau nếu muốn mua một món đồ gì đó. Chúng tôi đủ tin tưởng lẫn nhau để hiểu rằng, khi người kia mua, đó là một quyết định về tài chính đã được cân nhắc và nằm trong khả năng, chứ không phải sự hồ đồ hay ngẫu hứng của một đứa trẻ chưa biết suy xét.

Một chị bạn đã ly hôn, nói với tôi: “Sau vài năm đau khổ vật vã và oán trách người chồng cũ, chị rút ra rằng, trước khi trông mong ai làm điều gì đó cho mình, hãy tự làm trước đã. Mình phải vui thì mới làm người khác vui được”. Nếu muốn đi xem phim mà rủ chồng không đi, thì hãy tự đi hoặc rủ bạn mình đi cùng, thay vì ngồi đó hậm hực vì chồng không chiều theo ý. Như vậy mình vừa không được xem phim, mà cả hai lại bực mình.

Tôi vẫn bỏ tiền đi học tiếng Pháp, mua cây treo cửa sổ. Còn chồng thì bỏ tiền đầu tư để được xem Ngoại hạng Anh. Không ai phải lén lút bỏ tiền riêng, hay sợ sệt người kia tra hỏi “mua hết bao nhiêu thế?”.

Chúng tôi đóng góp cho gia đình theo khả năng của mình, và duy trì không gian cá nhân để còn thở và còn yêu nhau.

Theo VNEXPRESS

Exit mobile version