Thứ Ba, Tháng Ba 19
Shadow

Ông Phan Văn Vĩnh không đồng ý, tòa có được công khai bản án?

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh đã không đồng ý cho tòa công khai bản án vụ “bảo kê” đánh bạc mà ông đang bị xử. Liệu tòa có quyền công khai bản án này sau khi xử xong?

phan văn vĩnh

Cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh tại phiên tòa chiều 12-11 – Ành: NAM TRẦN

Tại phiên xét xử 92 bị cáo trong vụ án đánh bạc ngàn tỉ sáng 12-11, thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã hỏi bị cáo Phan Văn Vĩnh – cựu trung tướng, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, có đồng ý công bố bản án lên mạng hay không và ông Vĩnh đã từ chối.

Theo chủ tọa, chỉ cần một người trong vụ án không đồng ý thì sắp tới, bản án vụ này sẽ không được công bố bản án công khai lên mạng.

Việc từ chối cho công bố bản án của bị cáo Phan Văn Vĩnh theo quy định pháp luật được quy định thế nào?

Sắp tới, khi xét xử xong vụ án này, tòa có được công khai bản án trong khi bị cáo Vĩnh không đồng ý hay không?

Công khai khi bản án đã có hiệu lực

Theo ông Bùi Quang Sơn – phó chánh án TAND tỉnh Bến Tre, việc công bố bản án trên mạng được các cấp tòa thực hiện theo quy định tại nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao.

Đó là những bản án đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo, kháng nghị và không thuộc truờng hợp cần phải giữ bí mật thì sẽ được đăng lên mạng.

“Hiện tại TAND tỉnh Bến Tre có bản án nào có hiệu lực pháp luật đều công khai sau khi đã mã hóa tên cá nhân, doanh nghiệp và các địa chỉ. Việc mã hóa này nhằm không làm ảnh hưởng đến các bị cáo, các đương sự sau khi bản án được đưa lên mạng” – ông Sơn chia sẻ.

Đồng thời, ông Sơn cũng cho biết thực hiện theo hướng dẫn của TAND Tối cao, việc đưa bản án lên mạng sẽ được thông báo cho đương sự, người tham gia tố tụng và các bị can, bị cáo biết trong phần làm thủ tục phiên tòa.

Đồng thời, thẩm phán chủ tọa cũng nói rõ cho những người tham gia tố tụng tại phiên tòa biết rằng bản án được đưa lên mạng là bản án đã được mã hóa, không phải rõ tên tuổi và địa chỉ của những người tham gia tố tụng trong vụ án.

Việc hỏi này nhằm mục đích để thông báo cho người tham gia tố tụng biết, và hầu hết những người tham gia tố tụng (bao gồm cả các bị cáo trong các vụ án hình sự) đều nhất trí và đồng thuận với việc công bố này.

Xem thêm  Thêm 4 sếp doanh nghiệp bị khởi tố trong vụ đánh bạc nghìn tỷ

Tương tự, ông Phạm Văn Nam, chánh án TAND tỉnh Điện Biên, cũng cho biết tòa án của tỉnh này đã công khai hết lên mạng các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, trên trang cổng thông tin của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên và trang công bố bản án của TAND Tối cao.

“Việc công khai bản án là thường xuyên và luôn luôn được cập nhật. Trong phần thủ tục phiên toà các thẩm phán có thông báo cho các đương sự, bị can, bị cáo biết về việc bản án sẽ được công bố trên mạng, đến nay chưa có vụ án nào đã có hiệu lực pháp luật mà đương sự yêu cầu không công bố” – ông Nam nói.

Được biết, hiện tại trang web công bố bản án của TAND tối cao đi được thành lập sau nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao từ tháng 3-2017 đến nay đã công bố hơn 160.000 bản án trên toàn quốc.

“Án đã có hiệu lực pháp luật, không bị kháng cáo kháng nghị và không thuộc trường hợp phải bảo mật thì sẽ được công bố trên trang này” – một lãnh đạo TAND Tối cao cũng cho biết.

phan văn vĩnh

92 bị cáo trong vụ án đánh bạc ngàn tỉ – Ảnh: NAM TRẦN

Chỉ không công bố trong một số trường hợp đặc biệt

Đó là quan điểm của ông Bùi Quang Sơn – phó chánh án TAND tỉnh Bến Tre – và đây cũng là ý kiến của một vị lãnh đạo TAND Tối cao.

Theo nghị quyết 03 của Hội đồng thẩm phán có nêu các trường hợp không công bố bản án trên mạng.

Đó là những trường hợp được quy định cụ thể tại điều 4 của nghị quyết: phiên tòa xử kín, hoặc bản án thuộc phiên tòa xét xử công khai nhưng có chứa các thông tin về bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh, bí mật gia đình chưa được mã hóa, phiên tòa có người chưa đủ 18 tuổi…

Việc hỏi những người tham gia tố tụng đối với việc công bố bản án là nhằm mục đích xem xét họ có thuộc các trường hợp trên không, nếu thuộc các trường hợp trên thì không công bố. Còn nếu không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 4 của nghị quyết thì công bố bình thường.

Ông Sơn cũng cho biết trong quá trình thực hiện việc công bố bản án trên mạng, tại TAND tỉnh Bến Tre cũng đã có trường hợp bị cáo phạm tội trộm cắp không đồng ý cho công bố.

Xem thêm  Lý do khiến cựu tổng cục trưởng cảnh sát Phan Văn Vĩnh bị bắt

Tuy nhiên, khi thẩm phán hỏi lý do tại sao và có thuộc các trường hợp không công bố không thì bị cáo này không trả lời được. Và bản án ấy khi có hiệu lực pháp luật vẫn được công bố bình thường.[contextly_sidebar id=”2nlEfTiKYlZonOQtz9o1AwQshY7K4yUM”]

Việc hỏi ý kiến của đương sự khi tham gia phiên tòa, phiên họp là nhằm để rà soát lại lần cuối cùng các trường hợp có thuộc quy định tại điều 4 hay không để đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và các bị cáo trong vụ án.

“Mấy bị cáo trộm cắp xong vì sợ mắc cỡ với hàng xóm nên yêu cầu không cho công bố bản án. Nhưng yêu cầu đó là không chính đáng nên không thể chấp nhận. Nếu ra tòa, hỏi đương sự nào họ cũng bảo không đồng ý mà toà cũng chấp nhận thì làm sao có bản án để mà công bố” – ông Sơn cho biết.

Bản án, quyết định không công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án

1. Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử kín.

2. Bản án, quyết định về vụ việc được Tòa án xét xử, giải quyết công khai nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Có chứa đựng nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của Chính phủ hoặc chứa đựng những nội dung mà Nhà nước chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Có chứa đựng thông tin về hoạt động đầu tư tài chính, bí quyết nghề nghiệp, công nghệ chưa được bộc lộ, có thể được sử dụng và tạo lợi thế trong kinh doanh mà trong quá trình Tòa án xét xử, giải quyết vụ việc, người tham gia tố tụng đã có yêu cầu được giữ bí mật;

c) Có chứa đựng nội dung ảnh hưởng xấu đến truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư;

d) Có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi;

đ) Có chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa được mã hóa theo hướng dẫn tại Điều 7 của Nghị quyết này.

3. Bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực pháp luật.

Theo tuổi trẻ

Link gốc