Thứ Sáu, Tháng Tư 19
Shadow

Quy định khiến Trung Quốc có thể âm thầm bắt Chủ tịch Interpol

Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc có thể bí mật giữ nghi phạm tham nhũng mà không cần báo cho người nhà của họ.

Chủ tịch Interpol

Mạnh Hoành Vĩ tại một hội nghị ở Nepal tháng 1/2017. Ảnh: Interpol

Chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Công an Trung Quốc Mạnh Hoành Vĩ đã bị Bắc Kinh bắt với cáo buộc nhận hối lộ. Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng của Trung Quốc, nói rằng ông Mạnh có “hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng”. Interpol sau đó nhận được thư từ chức của ông Mạnh.

NSC được thành lập hồi tháng ba, có trách nhiệm phát hiện các hành vi sai trái của khoảng 90 triệu đảng viên Trung Quốc cũng như cán bộ quản lý của các doanh nghiệp nhà nước, bệnh viện, cơ sở giáo dục và văn hóa, thể thao, viện nghiên cứu và cả chính quyền làng xã.

Cơ quan này có quy trình Lưu trí, tức là các điều tra viên có quyền triệu tập thẩm vấn bất cứ cá nhân nào bị nghi ngờ dính líu đến tham nhũng, bao gồm những đối tượng bị tình nghi đưa và nhận hối lộ, theo SCMP.

Sau khi thẩm vấn, NSC được phép bí mật giữ nghi phạm tham nhũng trong ba tháng để điều tra và có thể gia hạn thêm ba tháng. Điều tra viên cũng có thể đóng băng tài sản và lục soát nơi ở, nơi làm việc của nghi phạm mà không cần lệnh từ tòa án hay viện kiểm sát.

Bắc Kinh ra thông báo về tình trạng của ông Mạnh ba ngày sau khi vợ ông hôm 5/10 trình báo với cảnh sát Pháp về việc chồng mình không quay về, cũng không liên lạc với gia đình kể từ chuyến bay về Trung Quốc hôm 25/9. Trong ba ngày đó, Chủ tịch Interpol bị coi là “mất tích”, trong khi Trung Quốc giữ im lặng hoàn toàn, buộc Interpol phải ra yêu cầu Bắc Kinh làm rõ về tình hình của ông.

Xem thêm  Đêm nay miền Bắc mưa to, trời rét đậm

Theo Lưu trí, người nhà không được thông báo về việc nghi phạm bị bắt nếu hành động đó cản trở cuộc điều tra. Charlotte Gao, chuyên gia về nghiên cứu châu Á, nhận xét trên Diplomat  rằng vợ của ông Mạnh có thể không biết tung tích của chồng trong thời gian dài nếu bà không đưa việc ông biến mất ra truyền thông quốc tế.

Thực tế, Lưu trí là “bình mới rượu cũ” của quy trình có tên Song quy thuộc Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI), cơ quan được ví như nắm đấm thép của Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi”.

Song quy đã vấp phải nhiều phản ứng của dư luận trong và ngoài nước vì CCDI chỉ là một cơ quan đảng, không phải là đơn vị nhà nước có quyền hành pháp, nên các biện pháp điều tra, ngăn chặn của họ không có cơ sở pháp lý và không được quy định trong bất cứ văn bản pháp luật nào.

Trong khi đó, NSC là một cơ quan nhà nước cấp trung ương, đứng trên các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp như Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Phạm vi hoạt động, quyền hạn và các biện pháp điều tra của NSC được quy định rõ trong Luật Giám sát. Lưu trí được Trung Quốc coi là biện pháp hiệu quả, hợp pháp để ngăn chặn các cán bộ, đảng viên bỏ trốn hay tẩu tán tài sản, phi tang chứng cứ khi bị tình nghi tham nhũng.

Trong thời gian bị giữ, những người này không bị coi là tội phạm nên không bị áp dụng các biện pháp theo quy trình tố tụng hình sự, nhưng quyền tiếp cận luật sư hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của NSC. Hình thức này cho phép NSC ngăn chặn ngay lập tức ý định xuất cảnh của nghi phạm tham nhũng mà không cần thông qua các cơ quan tư pháp khác.

Xem thêm  Hơn 200 đại học công bố điểm chuẩn

Lưu Kiến Siêu, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật tỉnh Chiết Giang, cho biết người bị giữ vẫn được quyền gặp luật sư sau khi được bàn giao cho cơ quan công tố. Ông nhấn mạnh rằng Lưu trí là biện pháp cần thiết để các cuộc điều tra chống tham nhũng phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, Nicholas Bequelin, từ tổ chức Ân xá Quốc tế bày tỏ lo ngại NSC có thể lạm dụng quyền hạn và áp dụng các biện pháp cực đoan để buộc nghi phạm nhận tội.

“Việc giam hoặc cấm những người bị tình nghi xuất cảnh, đóng băng tài sản của họ cần phải được tiến hành rất thận trọng”, Jiang Mingan, giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, nói. “Các điều tra viên phải nắm trong tay các bằng chứng thuyết phục trước khi áp dụng quy trình”.

Mạnh Hoành Vĩ từ năm 2016 là chủ tịch Interpol, cơ quan thúc đẩy hợp tác cảnh sát lớn nhất thế giới với 192 quốc gia thành viên. Vị trí chủ tịch có nhiệm kỳ 4 năm, được bầu bởi Đại hội đồng Interpol – gồm đại diện của tất cả thành viên.

“Việc người đứng đầu một tổ chức quốc tế bị lưu giữ theo quy trình này là chưa từng có tiền lệ”, Julian Ku, giáo sư Đại học Hofstra, bình luận.

“Thật khó tưởng tượng rằng sau vụ của ông Mạnh, có tổ chức quốc tế nào lại có thể cảm thấy thoải mái khi bầu một công dân Trung Quốc vào vị trí đứng đầu mà không lo ngại điều tương tự sẽ xảy ra”.

Phương Vũ- Theo vnexpress

Link gốc