Thứ Năm, Tháng Ba 28
Shadow

Sau 5 lần nhảy việc, gặp lại sếp cũ, ông nói một câu khiến tôi chết lặng: “Nhảy việc kiểu cậu, cẩn thận kẻo một phút bốc đồng, cả đời bốc cám!”

Tôi gặp rất nhiều khó khăn và thất nghiệp trong thời gian dài vì nhảy việc không có kế hoạch. Trải qua quãng thời gain dài tìm việc mệt mỏi, tôi đã nhận được nhiều bài học đáng giá cho sự thiếu chuẩn bị trước khi nhảy việc.

Xem thêm  Ông chủ hỏi ‘Nếu được mời sang công ty tốt hơn, cậu có đi không?', trả lời xong, cậu nhân viên lập tức được tăng lương

Nhảy việc01

Câu chuyện 8 năm trước…

Tôi còn nhớ như in cảm giác phải ngồi đối diện với sếp ngay lúc vừa nộp đơn nghỉ việc. Mặc dù trước đó tôi đã chuẩn bị rất nhiều, đọc hàng tá bài chia sẻ trước khi đưa ra quyết định, nhưng để có thể tự tin nói chuyện với sếp thật khó.

Đây là công ty đầu tiên của tôi làm việc từ lúc ra trường, ngày trước tôi thực tập ở đây và được sếp giữ lại làm nhân viên chính thức. Vì thế, ở trong tình huống này tôi cứ như kẻ “ăn cháo đá bát”, chẳng biết mở lời thế nào.

Thấy tôi lo lắng, Sếp cười và nói: “Tôi đã xem qua mail xin nghỉ việc của cậu rồi”.

Tôi lo sợ nên cũng nói: “Vâng, tôi cũng có đem theo đơn xin nghỉ việc phòng trường hợp ông cần”. Sau đó, tôi để tờ đơn lên bàn.

Sếp vẫn cười: “Nghỉ rồi cậu tính làm ở đâu? Có offer tốt hơn rồi à?”

Tôi cố gắng giữ bình tĩnh và nói nhỏ: “Vẫn chưa có kế hoạch gì ạ”.

Sếp lại hỏi: “Vậy thì sao lại nghỉ việc?”

Tôi cười trừ ngượng nghịu thay cho câu trả lời. 

Ông có vẻ bất ngờ, vẫn không hiểu tại sao tôi lại từ bỏ một công việc ổn định, phúc lợi tốt, đồng nghiệp ổn. Ông khuyên tôi nên ở lại, đợi đến khi thật sự cứng cáp, lúc ấy hãy nghĩ tới chuyện nhảy việc.

Nhảy việc

Thế nhưng lúc đó, đơn thuần tôi chỉ nghĩ rằng, nơi này mình “học” đã đủ. Tôi có kỹ năng, có một chút kinh nghiệm làm vốn, tại sao tôi phải chết chìm trong cái ao hồ tù đọng này? Tôi sợ mình sẽ chết mòn trong môi trường đơn điệu, cũ mềm, với những công việc quen thuộc tới nhàm chán. Đúng lúc ấy, lời rủ rê của người bạn tới, tôi hi vọng sẽ có nhiều cơ hội để thỏa sức vẫy vùng, cho nên quyết dứt áo ra đi.

Nhưng, đến công ty thứ hai, tôi không trụ hạng được lâu. Bởi môi trường làm việc ở đó phức tạp hơn tôi nghĩ. Tôi là người không ngại khó, không ngại khổ, không ngại học hỏi, nhưng vẫn phải cay đắng thừa nhận, có những việc vượt quá khả năng hiểu biết và tầm kiểm soát của tôi. Nơi này họ cần một người có đủ trải nghiệm, đủ kiến thức, chứ không phải một kẻ “ngựa non háu đá” là tôi.

Có quãng thời gian mới nghỉ công ty cũ, chưa xin được công việc mới, tôi làm freelancer. Nhưng, oái oăm, một dạo người muốn giới thiệu các dự án cho tôi bất ngờ nghỉ việc ở chỗ làm và muốn khởi nghiệp nên lời hứa các dự án với tôi cũng tan vỡ. Tôi cũng không có nhiều mối quan hệ, hoàn toàn không thể chi trả các khoản phí sinh hoạt của mình, phải vay mượn từ người khác và ngày nào cũng lướt mạng để tìm kiếm công việc. Quãng thời gian đó thật sự stress, áp lực. 

Cho tới hiện tại tôi đã tìm được một công việc tốt với mức thu nhập khá ổn, nhưng trong lòng hẵng còn lấn cấn một vài gợn sóng nhỏ. Dịp cuối năm công ty tổng kết, tôi vô tình gặp lại người sếp đầu tiên (công ty của ông là đối tác quan trọng của công ty tôi). Ông chủ động bắt tay, hỏi han công việc hiện tại của tôi và trách mắng một câu nửa đùa nửa thật: “Nhảy việc kiểu cậu, cẩn thận kẻo một phút bốc đồng, cả đời bốc cám!”. 

Tôi đã chết lặng. Câu nói như một cái tát tai vào mặt tôi. Không phải vì là lời bỉ bai, mà lời trách cứ ấy Đúng – chỉ có điều nhiều năm qua, tôi gắng lấp liếm hoặc không đủ dũng cảm thừa nhận! 

Quả thực, trong buổi nói chuyện cuối cùng với sếp trước khi tôi nghỉ việc, ông đã nói: “Có thể, thời gian chậm rãi trong môi trường quen thuộc, cậu đã làm được một vài thứ, học được một vài điều, trải qua dăm ba chút kinh nghiệm…, thời gian không dài nhưng có lẽ đủ để cậu biết mình còn thiếu những gì, có thể tiếp tục phát triển lên tầm cao mới hay không? Trước khi cậu có ý định nhảy việc, cậu phải nghiêm túc nhìn nhận và thành thực trả lời câu hỏi đó. Nếu đơn giản chỉ là chán chường chỗ làm, và muốn chuyển… đi đâu cũng được, rất có thể cậu sẽ vấp phải sự thất vọng lớn lao trong sự nghiệp của mình. 

Hồi trẻ tôi cũng như cậu, sẵn lòng chiều chuộng bản thân mình một chút, sẵn sàng chạy theo những lời mời chào hấp dẫn mà không có sự cân – đo – đong – đếm và nhìn sâu vào khả năng của chính mình. Mọi quyết định trong phút bốc đồng đều phải trả giá đắt ngay lập tức hoặc trong tương lai ngắn. Hãy nhớ điều đó! 

Nhảy việc02

Từ kinh nghiệm nhảy việc của bản thân – đáng buồn không phải lần nhảy việc nào cũng mang lại kết quả tốt như kì vọng (nên số lần nhảy việc của tôi mới lên con số 5 và không biết liệu có thể dừng lại hay chưa), tôi muốn nói với các bạn đôi điều: Tôi và rất nhiều người có ý định nhảy việc, đều mong muốn tìm được một công việc mới phù hợp với khả năng, sở thích, chế độ đãi ngộ tốt và rộng đường thăng tiến hơn vị trí hiện tại. Vậy nhưng mong muốn không phải lúc nào cũng thành sự thật. Tôi (và đoán là còn nhiều người nữa) nhảy việc rồi ngậm ngùi thở dài “biết thế…”. Đó chính là hậu quả của sự thiếu thận trọng, không rõ ràng trong quá trình cân nhắc trước khi ra quyết định. Dưới đây là 4 lời khuyên tôi dành cho các bạn – những người trẻ đang nung nấu ý định nhảy việc: 

Nếu bạn có ý định nhảy việc để trốn chạy hiện tại, hãy nghĩ lại!

Bạn đang gặp khó khăn với công việc hiện tại và đã phải chờ đợi quá lâu để có cơ hội thay đổi, rất có thể bạn đã cảm thấy chán nản thậm chí ghét bỏ những gì đang làm, các đồng nghiệp xung quanh và cả những kỹ năng bạn vận dụng trong công việc. Tất cả những gì bạn muốn chỉ là ra đi càng nhanh càng tốt. 

Sự thật là, thay vì nhảy việc, hãy tìm cách hàn gắn lại những mối quan hệ rạn vỡ, tìm lại sự nể trọng từ những người xung quanh, nâng cao những kỹ năng của bản thân và trở nên cạnh tranh hơn. Chỉ có như vậy, khi ra đi bạn mới có thể đạt được bước thành công mới. Chạy trốn không phải là cách giải quyết vấn đề bởi có thể bạn lại phải đối diện với chúng trong công việc mới.

Ra đi trong tình trạng “không một xu dính túi” – Liều mạng để rồi “mất mạng”

Bạn tính chuyện nghỉ việc mà không suy xét kỹ việc sẽ lấy thu nhập từ đâu để trang trải trong thời gian chuyển đổi từ việc cũ sang việc mới. Bạn không chắc hoặc thậm chí là không tìm hiểu xem giai đoạn này sẽ kéo dài bao lâu và liệu mình có đủ khả năng kinh tế hay không. Không phải lúc nào việc chuyển đổi cũng nhanh chóng, suôn sẻ. 

Quãng thời gian chết ngập trong đống hóa đơn và không một chút tiền phòng thân đến giờ nghĩ lại vẫn khiến tôi nổi da gà. Thật sự, không tiền, làm gì cũng hèn, đến cả suy nghĩ cũng hèn, cũng sợ. Người ta bảo “cái khó ló cái khôn” – đúng, nếu bạn có thần kinh vững và giỏi xoay sở, còn nếu không, xin thưa sẽ là “cái khó bó cái khôn”, bạn sẽ ngạt thở như con cá bị ném xuống ao tù chờ ngày phơi trắng bụng. 

Do đó hãy dành thời gian để nghiên cứu một cách nghiêm túc hoặc trao đổi với những người có kinh nghiệm trong ngành bạn đang muốn gia nhập để hiểu rõ những yêu cầu cần thiết về mặt tài chính trong những tháng làm quen với công việc mới. Nếu bạn chưa có chút vốn liếng nào, tốt nhất hãy đợi đến khi có thể tích lũy hoặc vay mượn được tự ai đó

Nhảy việc

Công việc mong muốn vẫn mù mở, ảo diệu như làn sương mỏng 

Khi xưa tôi nghỉ việc, vì một phút bốc đồng của bản thân trước sự mời chào ngọt như mía lùi của người bạn mà không bình tĩnh tìm hiểu: Thứ bản thân thực sự mong muốn là gì? Do đó, tôi thật lòng khuyên bạn, trước khi thay đổi nghề nghiệp, hãy xác định rõ, bạn muốn gì và trả lời được các câu hỏi: 

Bạn muốn phát triển kỹ năng hay năng khiếu gì? 

Bạn nghĩ mình phát huy tốt nhất khả năng trong môi trường ra sao, với những loại người nào? 

Những giá trị, phẩm chất nào phải được đề cao trong công việc đó? 

Bạn muốn đối đầu với thách thức loại nào? 

Mức lương, thưởng tối thiểu bạn sẵn sàng chấp nhận là bao nhiêu?

Một khi đã xác định được thực chất những gì mình muốn bước kế tiếp là tìm loại hình công việc phù hợp với phong cách và nhu cầu bản thân. Ngay cả khi đã đến bước này cũng nên tìm hiểu rõ công việc đó sẽ khiến cuộc sống của bạn ra sao và đó có phải điều bạn muốn hay không.

Đầu hàng quá sớm trước khó khăn – Xin thưa, không có lối tắt đến thiên đường đâu bạn ạ! 

Thực tế là không ai có thể thay đổi cuộc sống hay công việc mà không cần hao tổn công sức, thời gian, sự kiên nhẫn và đôi khi là không ít tiền bạc. Tôi từng tin rằng những thay đổi lớn sẽ đến tức thì hoặc trong vòng vài tháng cho nên tôi chỉ muốn nhanh chóng từ bỏ những gì đang khiến tôi buồn chán và không giữ được lòng kiên nhẫn để xác định đích đến mới.

Câu nói của sếp cũ xoáy sâu vào tâm can tôi. Đúng vậy, tôi đã không kiên nhẫn, tôi đã quá bốc đồng. Không chỉ với công ty đầu tiên, mà cả các công ty sau này. Giá như, tôi sống thực tế một chút, nghiêm túc và tận tâm một chút trước khi đưa ra quyết định thay đổi, có lẽ giờ đây đã không loay hoay như hiện tại. Có lẽ, thứ tôi và rất nhiều bạn trẻ ngày nay thiếu, chính là sự kiên nhẫn, sự chín chắn trước các quyết định của mình. Chúng ta, nên thay đổi thôi bạn ạ! 

Xem thêm  Lời nhắn của sếp gửi nhân viên bị sa thải: "Đến một công ty làm việc, đừng chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, trước tiên hãy học sao cho mình đáng tiền!"

Hoa Chanh, Theo Trí Thức Trẻ, Cafebiz

Link