Thứ Ba, Tháng Tư 16
Shadow

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: ‘Về nước để được sống nơi đất Tổ’

 ‘Tôi đã quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này’.

Tăng ni cùng phật tử đã đến đón thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về chùa Từ Hiếu chiều 28-10 – Ảnh: M.TỰ

Đó là tâm niệm mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đã bày tỏ trong lá thư gửi chư vị tôn đức và con cháu Tổ đình Từ Hiếu, viết từ Đà Nẵng vào ngày 26-10 vừa qua, một ngày trước khi thiền sư trở về Huế.

Trong thư, thiền sư bày tỏ rằng sau 70 năm thực hiện sứ mệnh hoằng pháp độ sinh mà chư Tổ đã giao phó, giờ đây dòng pháp nhũ của Tổ đình Từ Hiếu và Phật giáo Việt Nam đã lan tỏa khắp nơi trên thế giới.

“Vòng tròn giờ đây đang được khép lại. Tôi thấy rằng đã đến lúc tôi cần trở về tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ những năm tháng này” – thiền sư viết.

Thiền sư muốn về sống nơi đất Tổ để xây dựng nề nếp tu học, đó là “thao thức thẳm sâu nhất của tôi trong suốt những năm qua” .

Thiền sư Thích Nhất Hạnh dừng lại trước cổng chùa, đưa tay chào huynh đệ và phật tử – Ảnh: NHẬT LINH

“Do đó, tôi quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ. Có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này.

Không những thế, giờ đây chúng ta đã có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu từ những quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai đó, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa…”.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bên hồ bán nguyệt ngắm cảnh – Ảnh: M.TỰ

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, tác giả cuốn sách Đỉnh xuất kỳ nhân viết về thiền sư Nhất Hạnh, cho biết đọc lá thư là hiểu được tấm lòng của thầy.

Xem thêm  Thầy Thích Nhất Hạnh nhắn gửi thầy cô giáo: "Là những thầy giáo, cô giáo, nếu chúng ta không hạnh phúc thì làm sao chúng ta mong đợi con em mình hạnh phúc?"

“Cũng như mọi người dân nước Việt, thầy cũng muốn trở về Tổ đình của mình, quê hương mình để sống những năm tháng cuối đời và thảnh thơi nằm xuống bên cạnh các vị tổ sư, như một đứa con đã hoàn thành sứ mệnh ông cha giao phó” – ông Xuân nói.

Ông Xuân cho hay ước nguyện của thầy cũng rất đơn giản, khi viên tịch không muốn tổ chức linh đình, xây lăng mộ to lớn mà chỉ muốn được hỏa thiêu, tro cốt được hòa cùng đất đai sông biển đất trời quê hương.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh bỏ chiếc mũ len, thắp hương đảnh lễ trước bàn thờ Phật Tổ – Ảnh: NHẬT LINH

Chiều 30-10, thượng tọa Thích Từ Đạo – giám tự Tổ đình Từ Hiếu – cho biết sức khỏe thiền sư khá ổn, dù cũng có lúc mệt lúc khỏe như người già. Thượng tọa cho biết thiền sư được chăm sóc bởi đoàn thị giả của Đạo tràng Làng Mai (do thiền sư Nhất Hạnh thành lập trên thế giới).

Hai ngày qua, thiền sư ăn uống bình thường, nửa buổi thì dạo chơi trong vườn hoặc xuống hồ bán nguyệt ngồi chơi với các đệ tử. Thiền sư không nói, chỉ giao tiếp bằng ánh mắt và cử chỉ.

Thần sắc thiền sư Thích Nhất Hạnh tươi tỉnh hơn lần trở về năm 2017 – Ảnh: M.TỰ

Theo quan sát của chúng tôi, sức khỏe của thiền sư lần này khá hơn lần về Tổ đình Từ Hiếu tháng 8-2017. Đã có 4 giáo sư bác sĩ của Trường đại học Y dược Huế tình nguyện đến chăm sóc sức khỏe cho thiền sư, nhưng đoàn thị giả cho hay đã có người chăm lo việc này.

Nơi nghỉ của thầy là thiền thất được thầy đặt tên là “Thất Lắng nghe”, là nơi ông từng lưu trú trong những chuyến về thăm trước đây.

Sau khi lễ Phật Tổ và sư tổ, thiền sư Thích Nhất Hạnh gặp huynh đệ của mình – Ảnh: NHẬT LINH

Thiền sư Nhất Hạnh là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, thuộc dòng Liễu Quán, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế. Theo truyền thừa của Tổ đình Từ Hiếu thì thiền sư Nhất Hạnh hiện là trú trì của ngôi chùa này.

Xem thêm  Bí ẩn tâm linh: Câu chuyện tu hành đắc đạo – Vì sao có xá lợi toàn thân bất hoại của các thiền sư Việt Nam?

Kể từ khi xuất ngoại hoằng dương đạo pháp, thiền sư đã về lại quê nhà vào các năm 2005, 2007, 2008, 2017 và lần cuối cùng thầy trở về vào chiều 28-10 vừa qua.

Trong tác phẩm Thế giới Phật giáo, GS.TS John Powers, một học giả Phật học của Úc, đã chọn 13 vị sư đã góp phần vào sự thành hình và phát triển đạo Phật trên thế giới trong 2.500 năm qua, và thiền sư Nhất Hạnh ở vị trí thứ 10.

Chùa Từ Hiếu – ngôi cổ tự được khai lập từ năm 1843, hiện tọa lạc ở phường Thủy Xuân, TP Huế – Ảnh: M. TỰ

Thiền sư Thích Nhất Hạnh tên khai sinh là Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, quê quán Thừa Thiên – Huế.

Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu vào năm 16 tuổi và thọ giới với pháp danh Trừng Quang, pháp tự Trừng Xuân, pháp hiệu Nhất Hạnh.

Ông từng tham gia thành lập Viện đại học Vạn Hạnh và Nhà xuất bản Lá Bối, tổng biên tập tạp chí Phật Giáo Việt Nam.

Sau khi đến Mỹ để truyền dạy phật học ở các trường đại học, thiền sư đã qua Pháp lập tu viện Làng Mai, và mở ra các thiền viện khắp trên thế giới để thực hành phép tu của ông, suốt hàng chục năm qua.

Thiền sư đã từng được đề cử giải Nobel hòa bình vào năm 1967.

Sáng 3-11 này, sẽ diễn ra một cuộc gặp gỡ của các sư huynh đệ và con cháu của môn phái Tổ đình Từ Hiếu, theo lời mời của sư trú trì Thích Nhất Hạnh, “để cùng nhau hàn huyên trong tình huynh đệ ấm áp”.

Minh Tự – Theo Tuổi trẻ

Link gốc